“Rào chắn” chặn nước ngoài thâu tóm
Sau đại dịch COVID-19, làn sóng các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tục gia tăng.
Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng, thậm chí một số lĩnh vực quan trọng bị NĐT nước ngoài thâu tóm đã làm cho nguy cơ mất các thương hiệu quốc gia và đặt ra thử thách cho mục tiêu xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, trong bốn tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỉ USD. Đáng chú ý, riêng trong tháng 4 vừa qua có đến hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào nước ta thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước. Nếu tính từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã thực hiện giao dịch qua hình thức mua bán, sáp nhập công ty Việt lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD.
Nguyên nhân từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị các NĐT nước ngoài thâu tóm.
Về khách quan, đó là do nhu cầu cần vốn để đầu tư phát triển nên Nhà nước có chủ trương thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, đây là xu thế tất yếu và phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, khi chào bán cổ phần thì các NĐT nước ngoài luôn chiếm được lợi thế vì họ có nguồn tài chính dồi dào.
Về chủ quan, đó là việc môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch, nạn quan liêu, hạch sách làm cho các chủ doanh nghiệp mệt mỏi muốn rút lui, nhiều chủ doanh doanh nghiệp chưa nhìn thấy hết tiềm năng của thị trường nên sẵn sàng bán doanh nghiệp khi thu được số lời trước mắt.
Ngoài ra, các bất cập của chính sách pháp luật, tầm nhìn và năng lực quản trị doanh nghiệp hạn chế cũng như thiếu sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước trong những thời điểm nhất định đã làm cho doanh nghiệp nội hụt hơi và mất khả năng cạnh tranh dẫn đến xu thế bán doanh nghiệp cho NĐT nước ngoài.
Với NĐT nước ngoài, họ muốn mua lại các doanh nghiệp Việt bởi họ nhìn thấy được tiềm năng của thị trường, tiềm năng của thương hiệu có khả năng quốc tế hóa. Khi mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Việt, NĐT nước ngoài cũng tránh được các thủ tục xin cấp phép đầu tư rất tốn kém về thời gian và chi phí, thậm chí khai thác được các kẽ hở của luật pháp. Mặt khác, khi thâu tóm được doanh nghiệp Việt thì các NĐT nước ngoài tận dụng được thị trường và thương hiệu đã có sẵn, giảm được chi phí đầu tư cho hoạt động marketing và chi phí xây dựng hệ thống phân phối. Bên cạnh đó cũng không loại trừ nhiều NĐT nước ngoài tận dụng việc đầu tư để làm bình phong cho các hoạt động vi phạm pháp luật và gây mất ổn định an ninh quốc phòng.
Khoảng trống pháp lý?
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có nhiều quy định về hạn chế NĐT nước ngoài chỉ trừ một số ít lĩnh vực Nhà nước đang nắm giữ. Trên bình diện hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng chưa ký kết nhiều các điều ước quốc tế liên quan đến việc quy định tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp đến từ quốc gia khác.
Như vậy có thể thấy, hành lang pháp lý cho việc NĐT nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt hiện nay là rất thông thoáng và có độ mở rất cao. Việc các NĐT nước ngoài thâu tóm được các doanh nghiệp nội đã được cấp đất ở những vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, gần các khu vực biên giới là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí đã xảy ra, khi đó việc giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này để bảo đảm an ninh quốc phòng sẽ được thực thi ra sao và khi phát sinh vấn đề thì cần giải quyết như thế nào.
Việc để các NĐT nước ngoài dễ dàng thâu tóm các doanh nghiệp Việt mà không có cơ chế hạn chế tỷ lệ sở hữu trong từng lĩnh vực cụ thể còn dễ dàng tạo ra sự chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu các doanh nghiệp nội địa và các ý tưởng startup. Khi các doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát được nhiều doanh nghiệp trong 1 lĩnh vực sẽ rất dễ đến độc quyền và thao túng thị trường và làm mất đi tự tính tự chủ của nền kinh tế. Đó còn chưa kể đến việc các lao động nước ngoài sẽ chiếm giữ các vị trí trọng yếu trong doanh nghiệp Việt Nam, nguy cơ nguyên liệu sản xuất, chuỗi giá trị và hàng hóa nước ngoài tràn vào gây khó khăn cho ngành sản xuất và các thương hiệu trong nước.
Hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát là yêu cầu rất cấp bách đặt ra ngay lúc này, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng. Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao tính tự chủ và độc lập của nền kinh tế, thu hút được đầu tư nước ngoài nhưng vẫn xây dựng được các doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc “thâu tóm” dự án điện Lộc Ninh
21:22, 09/06/2020
Người nước ngoài thâu tóm đất: Ẩn họa từ M&A
06:13, 08/06/2020
Cảnh báo doanh nghiệp nước ngoài "núp bóng" để thâu tóm đất đai
05:20, 02/06/2020
Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất
11:30, 22/05/2020
Người Trung Quốc “núp bóng” thâu tóm đất: Vạch trần lỗ hổng trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất
05:10, 20/05/2020