Quy định pháp luật về việc thi hành phán quyết trọng tài còn nhiều bất cập

Huyền Trang 16/06/2020 13:05

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài.

Hội thảo do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam tổ chức sáng nay (16/6) tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư Pháp cho biết các quy định pháp luật về việc thi hành phán quyết trọng tài vẫn còn có nhiều điểm bất cập.

Về chủ thể yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, bà Hà cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành Án dân sự (Luật THADS) sửa đổi bổ sung năm 2014 thì quyền yêu cầu thi hành án thuộc về “đương sự” bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án. Trong khi đó Luật Trọng tài Thương mại (Luật TTTM) năm 2010 chỉ quy định bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài. Do đó trong trường hợp bên phải thi hành phán quyết muốn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài khi bên được thi hành phán quyết chưa yêu cầu thì hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể.

Hội thảo Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Hội thảo Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Về thủ tục tiếp nhận và thụ lý phán quyết, quyết định của Trọng tài bà Hà cho biết theo Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài Thương mại (Luật TTTM) năm 2010, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật TTTM năm 2010, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngày phán quyết của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực không phải là ngày phán quyết của Hội đồng trọng tài được đưa ra thi hành tại cơ quan THADS có thẩm quyền. Hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài được xác định căn cứ theo Điều 61 và Điều 66 Luật TTTM năm 2010. Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 61 Luật TTTM năm 2010 thì trong phán quyết trọng tài có nội dung “Thời hạn thi hành phán quyết”.

“Vì vậy, để xác định điều kiện tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải căn cứ vào nội dung này để xác định hai vấn đề: Một là đã hết thời hạn thi hành phán quyết; Hai là bên phải thi hành phán quyết có yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật TTTM”, bà Hà nhấn mạnh.

Điều 62 Luật TTTM năm 2010 quy định: Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc phải gửi đơn xin đăng ký phán quyết trọng tài tới Tòa án có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn xin đăng ký phán quyết trọng tài thì Tòa án thực hiện việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký phán quyết.

Vì vậy, để có thể tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải yêu cầu đương sự chứng minh việc phán quyết trọng tài đã được đăng ký tại Tòa án.Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác nhận tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài gặp nhiều khó khăn, trong đó người yêu cầu thi hành phải chứng minh phán quyết trọng tài đó không bị Tòa án tuyên hủy.

Nhiều trường hợp các đương sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết trọng tài không bị tuyên hủy đều không nhận được câu trả lời từ phía Tòa án, dẫn tới hồ sơ thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự bị chậm hoặc không được tiếp nhận do không xác nhận được tình trạng pháp lý của phán quyết. Hơn nữa, việc xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự hay đương sự còn chưa được quy định rõ dẫn tới khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án. Liên quan đến vấn đề này, tại Kiến nghị số 1680/PTM - VP ngày 14/07/2017 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về việc thi hành phán quyết trọng tài thì một trong những bất cập khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài là việc Cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu đương sự phải cung cấp giấy xác nhận của Tòa án về việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Trong khi Tòa án lại không có bất kỳ quy trình hay thủ tục nào để cấp Giấy xác nhận này, việc cấp giấy hoàn toàn phụ thuộc vào thực tiễn của mỗi Tòa án. Việc thi hành phán quyết trọng tài bị phụ thuộc vào việc Tòa án cấp giấy xác nhận đã hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của bên được thi hành. Mặt khác, thủ tục xin xác nhận của Tòa án là một thủ tục hành chính độc lập, phải thực hiện trước khi nộp hồ sơ đến cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến quy trình yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài bị tăng gấp đôi về thủ tục. Đồng thời, kiến nghị cũng nêu ra bất cập về quy định bên yêu cầu thi hành án phải có bằng chứng về việc phán quyết trọng tài đã có giá trị thi hành.

Thực tế, bên yêu cầu thi hành án sẽ rất khó để biết thông tin Tòa án có đang thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không. Trong khi bên phải thi hành phán quyết trọng tài là chủ thể nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài lại có thể dễ dàng cung cấp thông tin. Do đó, quy định việc lấy thông tin từ bên phải thi hành phán quyết trọng tài hoặc Tòa án sẽ là hợp lý hơn. Có thể thấy, các kiến nghị nói trên đã phản ánh đúng phần nào những bất cập trong việc thụ lý yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài hiện nay.

Về thời hiệu thi hành phán quyết Trọng tài, bà Hà cho biết theo pháp luật về thi hành án dân sự (Điều 30 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, sửa đổi bổ sung nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020) thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Theo khoản 5 Điều 61 Luật TTTM thì phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 66 Luật TTTM năm 2010 lại quy định: Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật TTTM, và thời hạn đăng ký là 1 năm kể từ ngày ban hành phán quyết. Vấn đề đặt ra là thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính bắt đầu từ thời điểm nào là chính xác: kể từ ngày có phán quyết trọng tài hay từ khi phán quyết đó được đăng ký tại tòa án? Có thể thấy, sự không thống nhất giữa các quy định pháp luật nêu trên đã khiến cho thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài vụ việc chỉ còn chưa được 4 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài có hiệu lực chứ không phải 5 năm. Do đó, bà Hà cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Ngoài ra, về thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài, theo Điều 8 Luật TTTM năm 2010, cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết. Trên thực tế các trung tâm trọng tài thường tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh. Theo đó các phán quyết trọng tài chủ yếu được ban hành tại các trung tâm trọng tài đặt tại hai thành phố này.

Tuy nhiên, khi các bên có đơn yêu cầu thi hành án mà các doanh nghiệp không có trụ sở kinh doanh tại hai thành phố này khi nộp đơn yêu cầu thi hành phán quyết sẽ rất khó khăn. Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

Như vậy, cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết có thể lại phải ủy thác thi hành án đến nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở, dẫn đến thời gian tổ chức thi hành án bị kéo dài.

Về vấn đề yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài, bà Hà cho biết, việc yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài được quy định tại Chương XI Luật TTTM năm 2010 (Từ Điều 68 đến Điều 72) và Điều 14 Nghị Quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM năm 2010, trong đó quy định cụ thể về căn cứ, trình tự thủ tục yêu cầu và xem xét hủy Phán quyết trọng tài. Tuy nhiên lại thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp một bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nhưng không được Tòa án công nhận và việc kéo dài thời gian thi hành phán quyết gây ra thiệt hại đối với bên được thi hành phán quyết. Điều này dẫn đến bên phải thi hành phán quyết trọng tài thường tìm mọi cách để đưa ra yêu cầu phản đối để phán quyết bị bác bỏ, dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí cho bên được thi hành phán quyết.

Do đó cần quy định chặt chẽ hơn nữa về việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và có những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với bên yêu cầu hủy phán quyết nhằm hạn chế tối đa việc lợi dụng quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài để kéo dài thời gian thi hành án.

Thi hành phán quyết của Trọng tài Thương mại có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia tranh chấp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng cho các chủ thể tham gia kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và góp phần phát triển nền kinh tế. Chính vì vậy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài Thương mại là vô cùng cần thiết và việc sửa đổi luật Trọng tài Thương mại nên được đặt ra để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Do đó, để nâng cao việc thi hành phán quyết trọng tài bà Hà cho rằng cần quy chế phối hợp giữa Trọng tài thương mại với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chức thi hành án... qua đó tổng hợp những vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp để phán quyết trọng tài đảm bảo thi hành đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài.

Đồng thời, trọng tài viên phân tích và giải thích quy định pháp luật và tạo điều kiện để các bên lựa chọn cách thức thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Khuyến khích các bên hợp tác tốt và cung cấp đầy đủ thông tin cho Trọng tài Thương mại và khi tham gia giải quyết căn cứ Điều 48 Luật Trọng tài có thể yêu cầu TTTM áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài để đảm bảo quá trình giải quyết và đảm bảo phán quyết trọng tài được tôn trọng và chấp hành triệt để.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức diễn ra Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại

    04:30, 15/06/2020

  • Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại

    11:19, 28/08/2018

Huyền Trang