EVFTA: “Cú hích” phục hồi xuất khẩu thời hậu dịch
Với cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, EVFTA được coi như thời cơ “vàng” cho kinh tế Việt Nam.
Đây cũng là một động lực , một “cú hích” đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hậu dịch COVID-19.
Chiều 17/06/2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) cùng tổ chức hội thảo “Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong đại dịch”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).
Không cạnh tranh trực tiếp mà cạnh tranh bổ sung
Phát biểu tại hội thảo hôm nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EVFTA chắc chắn sẽ tạo “cú hích” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày…
Tuy nhiên, để đến được với thị trường của EVFTA, doanh nghiệp Việt phải trải qua các rào cản.
“EVFTA như một cố gái xinh đẹp và hấp dẫn nhưng lại… kiêu với nhiều tiêu chuẩn. Con đường cao tốc mang tên EVFTA sẽ chỉ dành các phương tiện phù hợp, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được lợi thế mà phải có sự chuẩn bị để đáp ứng điều kiện nhất định. Hơn nữa, khi lưu thông trên "đường cao tốc," chắc chắn lợi ích mang lại cho doanh nghiệp sẽ không phải là miễn phí. Cũng có những trường hợp ưu tiên có thể được hưởng lợi mà không phải mất gì. Nhưng, đa phần các doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí nào đó trong việc điều tiết sản xuất cũng như là thay đổi công nghệ để đáp ứng với những điều kiện nhất định", bà Trang nói.
Tuy nhiên, bà Trang cũng nhấn mạnh điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trực tiếp mà là cạnh tranh bổ sung.
“Những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại. Trong bối cảnh ấy các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí nhất định để điều chỉnh sản xuất. Thí dụ, để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, doanh nghiệp phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn, nhưng điều đó lại giúp các doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU”, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhấn mạnh.
Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Cũng tại hôm thảo hôm này, TS Nguyễn Thị Thu Trang đưa ra nhận định, giữa lúc dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, có thể nhu cầu thị trường bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu có thể tăng lên nhiều, nhất là vào thời điểm EVFTA có hiệu lực thì sẽ là "cú hích" cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
“Do vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp; đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối DN trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc”, bà Trang nói.
Cùng với đó, bà Trang cũng đưa ra lưu ý rằng, EVFTA và các hiệp định khác mang lại nhiều cơ hội, nhưng cơ hội chỉ là tiềm năng, hiện thực hóa cơ hội được hay không là hoàn toàn khác. Điều này thì phải phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.
Về định tính, chúng ta thống nhất với nhau là thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, song cơ hội của Việt Nam, những cam kết ưu đãi cũng công bằng như nhau đối với doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác tham gia hiệp định. Dù là VCCI, hay các cơ quan nhà nước, Chính phủ nỗ lực thay đổi môi trường đầu tư, cải cách thể chế... thì cũng không thể làm thay doanh nghiệp được. Điều đầu tiên là bản thân doanh nghiệp cần chủ động trong việc thay đổi mình nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải dũng cảm để thay đổi, đón đầu cái mới thì bản thân doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế mới có khả năng thay đổi, vươn lên mạnh mẽ.
Ngoài ra, trong thời điểm CPTPP đã có hiệu lực, EVFTA thì sắp sửa có. Bà Trang cho rằng, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền và hiệp định, còn một việc khác cũng cần được đẩy mạnh là rà soát và chuyển hóa các cam kết CPTPP vào pháp luật nội địa.
“Do đó, việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần sự nâng đỡ và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội giúp họ hiểu cam kết, có những thay đổi chính sách để từ đó tạo đà nâng cao năng lực sản xuất, mở đường hội nhập”, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
EVFTA: Cơ hội mới sau nghịch cảnh COVID
16:12, 17/06/2020
Cơ hội từ EVFTA: (Bài 3) Ngành thủy sản tập trung gỡ thẻ vàng IUU
14:55, 17/06/2020
Cắt giảm 48,5% dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực tác động ra sao tới thu ngân sách?
11:00, 17/06/2020