Cơ chế thử nghiệm Sandbox
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương pháp Agile (phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt) được rất nhiều doanh nghiệp phần mềm áp dụng vào các quy trình sản xuất của mình.
Với mục tiêu đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt, phương pháp Agile (Sandbox) chú trọng vào việc tương tác giữa khách hàng và nhà cung cấp phần mềm thông qua một quá trình phát triển, thử nghiệm và cải tiến lặp đi lặp lại liên tục xuyên suốt vòng đời phát triển phần mềm của dự án.
Việc thử nghiệm liên tục trong môi trường thực tế của khách hàng, giúp cho nhà cung cấp đưa ra được những giải pháp tối ưu, sâu sát hơn với các nhu cầu nghiệp vụ và các khiếm khuyến nếu có trong sản phẩm sẽ được điều chỉnh một cách nhanh chóng.
Song song đó, quá trình này cũng giúp khách hàng có cơ hội nhìn nhận lại nhu cầu của mình và có thể thay đổi các quy trình nghiệp vụ không cần thiết ngay trong giai đoạn thực hiện dự án.
Vì vậy, khi sản phẩm phần mềm được đưa vào triển khai thực tế, những trục trặc về mặt kĩ thuật sẽ ít xảy ra hơn, giúp cho việc ứng dụng sản phẩm vào môi trường nghiệp vụ của khách hàng sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong cuộc sống hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng có được một môi trường kiểm thử liên tục như phương pháp Agile khuyến nghị. Chúng ta luôn bị điều chỉnh và giới hạn bởi những rào cản về mặt pháp luật sẵn có. Những rào cản này càng trở nên phức tạp hơn đối với các công ty khởi nghiệp về công nghệ số và đổi mới sáng tạo, những đơn vị luôn phải đi tiên phong nhằm thiết kế ra những sản phẩm hoàn thiện từ các ý tưởng mới.
Họ luôn đứng ở lằn ranh giữa việc tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách đưa ra thị trường một cách nhanh chóng những sản phẩm mới hướng đến số đông người dùng và việc hợp thức hóa các ràng buộc về mặt pháp lý cho những sản phẩm chưa từng tồn tại trước đó. Và đôi khi chính những thách thức không thể vượt qua về mặt pháp lý sẽ làm triệt tiêu tất cả nhiệt huyết, cũng như tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của những doanh nghiệp còn non trẻ.
Để giải quyết vấn đề trên, một số quốc gia trên thế giới như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore... đã xây dựng và áp dụng khung thể chế thử nghiệm Sandbox (Regulatory Sandbox) cho hoạt động của các công ty khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ hay doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Cơ chế này tạo ra một không gian phù hợp với khung chính sách riêng, nằm ngoài hoặc vượt quá khung pháp lý hiện tại. Sandbox cho phép doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm sản phẩm của mình trong môi trường thực tiễn với phạm vi và thời gian xác định, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, cùng các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn các hậu quả do sự thử nghiệm thất bại có thể gây ra. Sau khi hết thời gian thử nghiệm, nếu sản phẩm đi vào hoạt động thành công thì doanh nghiệp sẽ hoạt động tiếp tục theo khung pháp luật hiện hành; hoặc khung pháp luật hiện hành sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn với những thay đổi về mặt xã hội mà công nghệ mới mang lại.
Có thể nói đây là một cách ứng dụng phương pháp Agile trong kỹ thuật lập pháp, và cơ chế Sandbox là một công cụ hỗ trợ cần thiết cho việc thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Từ tháng 11/2016, Singapore đã áp dụng cơ chế Sandbox cho doanh nghiệp Fintech nhằm phát triển thị trường tài chính Singapore thành một hệ sinh thái Fintech năng động hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Zug, một thị trấn nhỏ của Thụy Sĩ, đã nổi tiếng vào năm 2016 khi cho phép cư dân của thị trấn trả phí bằng bitcoin (giới hạn ở mức tương đương 200 franc Thụy Sĩ). Ngày nay, Zug đã trở thành một trung tâm lâu đời của các công ty tiền mã hóa và blockchain.
Cách đây vài năm, các cơ quan hành chính Việt Nam đã từng rất lúng túng trong việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp như Uber, Grab, Airbnb,..
Do đó, nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã đề cập đến cơ chế Sandbox trong nhiệm vụ “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tuy nhiên, để thiết kế và thực thi hiệu quả cơ chế Sandbox, một sự hợp tác chặt chẽ liên bộ liên ngành là không thể thiếu, cũng như cần có sự chia sẻ trách nhiệm và chấp nhận rủi ro giữa các cơ quan quản lý.
Nếu triển khai được một cơ chế Sandbox phù hợp, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầy tiềm năng của đổi mới sáng tạo, hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đến đầu tư, đồng thời mang lại những cơ hội mới cho các công ty khởi nghiệp trong nước. Những sản phẩm công nghệ có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao “Make in Vietnam” sẽ là tiền đề để Việt Nam bước vào một chu kì tăng trưởng mới, bền vững và thịnh vượng hơn sau đại dịch COVID-19.
Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu - AVSE Global có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu. Hack4Growth là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo do AVSE Global tổ chức bao gồm 2 đợt: Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và Văn hoá đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp, và truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu CovidHạn chót nộp bài: 30/06/2020 Thông tin chi tiết về cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth - Covid EndgameWebsite: https://www.hack4growth.org/Fanpage: https://www.facebook.com/VILinks.AVSEGlobalEmail: hack4growth@vietnaminnovationlinks.org |