Luật Đầu tư 2020: Bệ đỡ vững chắc cho thu hút đầu tư
Khi Luật Đầu tư được thông qua, nhiều luồng ý kiến bày tỏ cộng hưởng của Luật các chính sách khác sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình thu hút vốn đầu tư vào mọi lĩnh vực.
Với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư.
Theo thống kê, cho đến nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.
Trong những thành công vang dội này, có đóng góp không nhỏ của Luật Đầu tư nói riêng cũng như các chính sách phát triển nền kinh tế nói chung. Kế thừa tinh thần tiến Bộ của Luật Đầu tư qua các phiên bản, Luật Đầu tư 2020 vừa được Quốc hội thông qua đã có nhiều điểm mới tiến bộ, được kỳ vọng là bệ đỡ vững chắc cho quá trình đầu tư của doanh nghiệp.
Ưu đãi đầu tư dựa theo kết quả thực hiện
Như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư sửa đổi cũng có cách tiếp cận mới trong thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư. Đó là, bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi mà Việt Nam đưa ra: ưu đãi có thời hạn, ưu đãi dựa theo kết quả thực hiện…
Tương tự, các ưu đãi đối với dự án lớn, dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển… cũng sẽ được thực hiện. Việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu cũng đã được bổ sung.
Cùng với đó, là các quy định để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính, về đầu tư, đất đai, xây dựng…
Đồng thời Luật Đầu tư cũng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
“Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vu Hồng Thanh cho biết.
Bãi bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Đáng chú ý, tại Luật Đầu tư 2020 nhiều ngành, nghề trước đây thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nay đã được bãi bỏ như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP); Kinh doanh dịch vụ giám định thương mại; Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh dịch vụ Logistic; Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản….
Quy định quan trọng này của Luật được nhiều chuyên gia đánh giá là đã kế thừa thành công tinh thần tiến Bộ của Luật Đầu tư qua các phiên bản.
Bình luận về sửa đổi này, Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định đây sẽ là cú hích quan trọng trong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và qua đó, giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện này được bãi bỏ sẽ làm môi trường kinh doanh Việt Nam sạch hơn, thoáng hơn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên mạnh mẽ”, Luật sư Lương Văn Chương nhấn mạnh.
Sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: Theo Luật Đầu tư sửa đổi, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư gồm: - Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này; - Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này; - Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng trong một năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động; - Dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; - Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; - Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo; - Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Có thể bạn quan tâm
Luật Đầu tư và kỳ vọng hóa giải xung đột pháp lý
16:54, 17/06/2020
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Quy định vốn đầu tư được thay đổi như thế nào?
05:00, 14/06/2020
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): Còn nhiều điểm chồng chéo pháp luật
05:30, 17/06/2020