Luật Xây dựng 2020: Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp xây dựng

PV 25/06/2020 04:30

Với nhiều điểm mới tiến bộ, khi Luật Xây dựng 2020 được thông qua, nhiều chuyên gia kỳ vọng Luật này sẽ "mở cửa" cho doanh nghiệp xây dựng.

Chiều ngày 17/6/2020, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với tỷ lệ 92,96% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.Rút ngắn thời gian phê duyệt, cấp phép

Bình luận về những thay đổi đáng chú ý của Luật Xây dựng 2020, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã mở rộng cửa cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng, bất động sản khi giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau phần thiết kế cơ sở các công trình xây dựng trong dự án nhà ở.

Cụ thể, trước đây, theo quy định của Luật Xây dựng 2014, trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng), chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định cả hai bước thiết kế: Thứ nhất là bước thẩm định thiết kế cơ sở, thứ hai là bước thẩm định thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở rồi sau đó mới được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Đến nay, theo quy định trong Luật Xây dựng (sửa đổi) thì công tác thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp GPXD.

Một điểm nữa được ông Lê Hoàng Châu hoan nghênh là việc mới đây, Bộ Xây dựng đã cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ này được thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 m.

Động thái này đã được các doanh nghiệp bất động sản rất hoan nghênh, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Rất mừng là giờ đây các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp I trên địa bàn TP HCM, TP Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ không còn phải ra tận Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây".

Quy định rõ thời gian thẩm định Báo cao nghiên cứu khả thi

Ngoài ra, Luật Xây dựng 2020 cũng quy định rõ thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được tính từ ngày cơ quan, tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Theo đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, thời gian thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định không quá 40 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày; đối với dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 25 ngày; đối với dự án nhóm C, thời gian thẩm định không quá 20 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 15 ngày.

Ngoài ra, Luật cũng quy định công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Luật xây dựng 2020 đã gộp quy định tại điểm g và điểm h của khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thành một điểm và bổ sung quy định việc cải tạo, sửa chữa công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Những thay đổi này của Luật Xây dựng được kỳ vọng sẽ khiến môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Xây dựng sửa đổi "mở cửa" cho doanh nghiệp xây dựng

    06:00, 23/06/2020

  • Miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng (sửa đổi): Vi phạm có tăng?

    05:30, 19/06/2020

  • Sửa Luật Xây dựng: Tránh tình trạng phạt cho tồn tại

    00:04, 24/05/2020

PV