Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Nhiều chồng chéo, lắm bất cập

ĐỖ HUYỀN 06/07/2020 05:40

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định Dự thảo lần 2, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nhận định là thiếu cơ sở thực tiễn, tạo điều kiện cho cơ chế xin-cho.

Dự thảo lần 2, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ vẫn được Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục mang ra lấy ý kiến và nhận được ý kiến quan tâm của của rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.

Trong lần sửa đổi này, câu chuyện về đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác đường cao tốc theo Điều 81 nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Vẫn còn nhiều ý kiến trà chiều xung quanh những thay đổi của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Vẫn còn nhiều ý kiến trà chiều xung quanh những thay đổi của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Trong văn bản góp ý lần 1, VCCI đã có kiến nghị đối với hai nhóm vấn đề quy định tại Điều 81 Dự thảo, cụ thể:

Trong Dự thảo lần 1, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, VCCI đề xuất quy định rõ về thủ tục, tiêu chí lựa chọn “doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính” quy định tại điểm a khoản 7. Ban soạn thảo đã giải trình cho góp ý này là “khi thực hiện chuyển nhượng có thời hạn mới xác định được yêu cầu về tài chính phù hợp với thời gian chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng mà Nhà nước nhận của doanh nghiệp, khi đó mới xác định được yêu cầu năng lực tài chính cho từng dự án cụ thể đảm bảo không có sự tùy tiện”.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng giải trình này dường như chưa phù hợp ở các điểm:

Thứ nhất, điều cần quy định ở đây là thủ tục, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp chứ không phải là các yêu cầu cụ thể. Tất nhiên với mỗi dự án thì sẽ có các yêu cầu chi tiết phù hợp với dự án, nhưng ít nhất pháp luật cần quy định trước và ổn định về thủ tục và tiêu chí lựa chọn.

“Nếu pháp luật không quy định, trong trường hợp này sẽ được hiểu là việc chuyển nhượng có thể thực hiện theo bất kỳ hình thức, thủ tục, tiêu chí nào mà cơ quan có thẩm quyền lựa chọn (dù là đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp “có đủ năng lực tài chính” hay đơn giản là chỉ định lựa chọn một doanh nghiệp bất kỳ mà không cần tuân thủ tiêu chí lựa chọn nào)?”, VCCI nhấn mạnh.

Thứ hai, việc quy định về thủ tục, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả (từ góc độ Nhà nước, để chọn lựa được doanh nghiệp tốt nhất) và công bằng (với doanh nghiệp, để được cạnh tranh bình đẳng).

Ngoài ra, cũng liên quan tới vấn đề lựa chọn doanh nghiệp tại Điều 81 này, trong phiên bản Dự thảo mới, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định tại khoản 8, theo đó “Chính phủ quy định các nội dung về Nhà nước giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường cao tốc”.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn quy định này theo hướng: “Tại sao lại chỉ quy định việc Chính phủ hướng dẫn vấn đề này đối với “doanh nghiệp Nhà nước” trong khi các quy định từ khoản 1 tới khoản 7 Điều 81 đều có đối tượng áp dụng là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước, ngoài nước?”, VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời, VCCI cho rằng hướng dẫn của Chính phủ theo khoản 8 này sẽ áp dụng cho tất cả các trường hợp hay chỉ cho các trường hợp có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước được quy định rõ (ví dụ tại điểm b khoản 1, khoản 2…)? Nếu chỉ áp dụng cho một vài điều khoản thì đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tại khoản 8 để tránh nhầm lẫn.

Ngoài ra, góp ý về Dự thảo Luật lần này nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng dự thảo lần này vẫn còn rất nhiều quy định chồng chéo, thiếu minh bạch.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, xung quanh câu chuyện giá, phí giao thông đường bộ còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần xác định rõ khi nào sử dụng cơ chế giá, khi nào sử dụng cơ chế phí. Theo đó, đối với các khoản nộp cho sử dụng đường có thể theo cơ chế giá trong trường hợp người sử dụng đường có sự lựa chọn thay thế; trong trường hợp ngược lại phải là cơ chế phí. Còn nếu nhà nước cho thu đối với trường hợp xin đặt các biển quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông đường bộ; sử dụng các cam kết kỹ thuật dùng chung thì đó có thể là phí. Đối với các khoản thu khác có thể là cơ chế giá.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị bổ sung 1 khoản quy định về đối với các công trình đã hết thời hạn thu phí, nhà đầu tư giao lại cho nhà nước quản lý việc có tiếp tục thu phí hay không do Chính phủ quyết định; bổ sung thêm quy định về việc công khai nhà đầu tư, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí, đề nghị công bố công khai.

Ngoài ra, ông Quyền cũng cho rằng, vận tải hàng hóa nội bộ với vận tải hàng hóa kinh doanh còn nhiều bất bình đẳng và đề nghị có khái niệm cụ thể hơn về vận tải hàng nội bộ, vì đây không phải hoạt động kinh doanh, không phải chịu thuế; phải có khái niệm rõ ràng, đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh vận tải.

Đứng ở góc độ đại diện cho các doanh nghiệp logistics, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ tập trung vào các nội dung về quy tắc an toàn giao thông đường bộ, chưa chú trọng tới các vấn đề khác có liên quan như vận tải hàng hóa. Vấn đề hợp tác quốc tế chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật, trong khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định khu vực có liên quan về vận tải đường bộ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên quy định rõ các nội dung về vận chuyển hàng hóa, hợp đồng vận chuyển, tình trạng hàng hóa và quy định trách nhiệm của tập thể, cá nhân người vận chuyển. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về vận tải đa phương thức và các cơ chế chính sách phát triển loại hình dịch vụ này.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng

    06:28, 30/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Làm rõ cơ chế thu phí, thu giá

    06:06, 05/06/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?

    11:15, 04/06/2020

ĐỖ HUYỀN