EVFTA và động lực cải cách thể chế

HUYỀN TRANG 10/07/2020 11:30

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5448VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành làm rõ những giải pháp phát huy hiệu quả thực hiện EVFTA.

Trong đó nhấn mạnh phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh do Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh.

Với tỷ lệ 94,62% tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: Trọng Đức

Với tỷ lệ 94,62% tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: Trọng Đức

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI so sánh, nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, thì những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom… Tất cả những con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc.

Không nên tạo rào cản cho chính mình

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo cú hích lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Nhưng liệu doanh nghiệp Việt có dễ dàng tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, mình cứ nói giảm thuế thì thâm nhập được thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra là có vượt qua được các rào cản mà chủ yếu là của chính mình hay không.

 EuroCham đánh giá Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ chi phí thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng và môi trường đầu tư thuận lợi. 

Như cách nói của ông Cung thì các tiêu chuẩn kỹ thuật, về môi trường, quy định về lao động... trong EVFTA thuộc về hàng rào bên ngoài, với nhiều doanh nghiệp, trong những ngành hàng, lĩnh vực hội nhập sâu, như dệt may, thủy sản..., không hề mới, nhiều tiêu chuẩn doanh nghiệp đã vượt qua với ý thức rất rõ về cơ hội thị trường.

Thực tế, điều khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng không phải là các tiêu chuẩn của hàng rào bên ngoài mà là ở hàng rào bên trong, vì nhiều quy định của Việt Nam còn “tệ hại” hơn hàng rào của EU, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... Có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không.

Cùng chung nỗi lo này, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Đại diện tiểu ban mỹ phẩm, Eurocham nhận định thời gian gần đây, môi trường kinh doanh Việt Nam dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn những rào cản ngáng chân doanh nghiệp. Đáng nói, với những rào cản như vậy sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp Việt mà rất có thể, cơ hội này lại rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài khi EVFTA có hiệu lực.

Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành.

Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành.

Quy định giấy chứng nhận lưu hành tự do từ các nước xuất khẩu cho mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam (CFS) đang tạo nên gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp. CFS về bản chất chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất để cấp chứng nhận về việc mỹ phẩm đó có thể được bán tại nước xuất khẩu. Giấy chứng nhận này không chứng nhận về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm, thậm chí là sản phẩm được cấp CFS không thực sự được lưu hành tại quốc gia cấp CFS”, bà Trinh nói.

Một lo ngại khác, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) trong một văn bản gửi đến Thủ tướng đã nêu thực tế có đến 90% các nhà máy chế biến thuỷ sản sau thanh kiểm tra đều bị kết luận là "vi phạm" và bị phạt nặng vì không thể đáp ứng nổi các chỉ tiêu theo quy định, nhất là chỉ tiêu về phospho.

Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu thủy sản mạnh trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan lại không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp chế biến thuỷ sản hoặc quy định cho phép ở ngưỡng cao hơn. Thế nhưng, qua nhiều kiến nghị, phản ánh với đầy đủ các bên tham gia, khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

Tới động lực cho quá trình cải cách thể chế

Quay trở lại với EVFTA, EuroCham đánh giá Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ chi phí thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng và môi trường đầu tư thuận lợi.

“Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực thi EVFTA, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý, trong đó có việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết các vướng mắc”, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Nói như TS Nguyễn Đình Cung thì khi các hàng rào bên trong, cụ thể là các điều kiện kinh doanh, tư duy về quản lý chuyên ngành không được gỡ bỏ, thì các nỗ lực dồn dập của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các FTA tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thể chế, thủ tục kinh doanh cho doanh nghiệp. Chúng ta mở cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta cũng phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Mở con đường cao tốc để thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam. Đây là điều mà Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Lợi ích của hội nhập mà nền kinh tế nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào đối sách của Việt Nam. Mục đích tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... mà là coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới, điển hình là EVFTA là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm các tác động của chệch hướng thương mại… Những nút thắt thể chế khiến cho các doanh nghiệp không muốn gia nhập thị trường vì chi phí tuân thủ và rủi ro cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI:

Ở thời điểm hiện nay, có thể nói cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đang gặp nhau ở cùng một mong mỏi, các đầu mối cải cách cụ thể mà Chính phủ đã giao tại Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được triển khai mạnh mẽ. Xét đến cùng, thực thi các FTA cũng đồng nghĩa với chấp nhận sức ép giúp Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế tốt nhất.

HUYỀN TRANG