Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017: Quy định dán nhãn hàng hóa “cản đường” doanh nghiệp
Không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp, Dự thảo sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, được cho sẽ làm khó hoạt động kinh doanh và cản trở thương mại quốc tế…
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo thời gian qua, đang cho thấy nhiều bất cập và vấp phải không ít phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, với những quy định bổ sung, hàng hóa từ các nước vào Việt Nam cũng như hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước, đã khó nay lại chồng khó…
Rào cản cho doanh nghiệp…
Thông tin với cơ quan báo chí, nhiều doanh nghiệp bức xúc: Mỗi một lần thay đổi những quy định về dán nhãn hàng hóa là một lần doanh nghiệp tốn kém hàng nghìn tỉ đồng chi phí để in nhãn mới, chỉ tính riêng mấy năm gần đây, đã ít nhất hai lần cơ quan Nhà nước thực hiện thay đổi quy định về dán nhãn... hiệu quả cho doanh nghiệp chưa thấy, chỉ thấy mỗi lần “thay đổi” là một lần doanh nghiệp được chồng thêm “gánh nặng” lên vai.
Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến 2019, đã có hai lần quy định pháp luật về dán nhãn được thay đổi, nếu Dự thảo lần này tiếp tục được thông qua, việc dán nhãn hàng hóa, sẽ có thêm lần thay đổi thứ ba (dự kiến có hiệu lực từ tháng 6/2021).
Trong đó, điều khiến doanh nghiệp vô cùng quan ngại, đó là việc Nghị định mới yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc mới được thông quan tại cửa khẩu.
Ví dụ như, máy bay của các hãng trước khi nhập về Việt Nam phải dán nhãn "Nhà nhập khẩu: VietJet hoặc Bamboo"…? Hay các hãng điện thoại trước khi xuất sang Việt Nam phải dán nhãn cho từng chiếc điện thoại với tên nhà nhập khẩu là Vinaphone, MobiFone,...? Trong khi, các doanh nghiệp đa quốc gia, sản xuất ở nhiều nơi và bán hàng khắp thế giới chỉ bằng một nhãn thương hiệu chính.
Những quy định mới trong Dự thảo, không chỉ tác động riêng tới hoạt động nhập khẩu như đã nêu mà gây khó cho hoạt động xuất khẩu, theo nhiều doanh nghiệp, nhãn mác trên bao bì xuất khẩu còn do phía người mua quy định theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ không yêu cầu phải ghi như quy định tại Việt Nam.
Tại hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá ngày 09/7, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng: “Việc liên tục điều chỉnh những quy định về nhãn mác sẽ gây tốn kém và là rào cản cho doanh nghiệp”.
Đi ngược với thông lệ…?
Theo nhiều doanh nghiệp, quy định về nhãn mác tại Dự thảo quy định mới trái với thông lệ quốc tế, bởi theo thông lệ quốc tế, tổ chức, cá nhân xuất khẩu chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu.
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cũng nêu quan điểm: việc quy định phải ghi thông tin bằng chữ của nước nhập khẩu cũng vô lý vì nhiều quốc gia dùng chữ tượng hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông thì làm sao các cơ quan chức năng đọc được mà quản lý… chưa kể các nhà nhập khẩu có yêu cầu ghi nhãn theo họ chứ không phải theo quy định của Việt Nam.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN chia sẻ: Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra lý do ghi nhãn để chống gian lận thương mại, tuy nhiên, đối với mục đích này chúng ta có rất nhiều luật khác, nhiều cơ quan kiểm soát, không riêng việc ghi nhãn mác trên hàng hóa.
“Việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, có thể vi phạm các điều khoản của FTA mà Việt Nam là thành viên, nguy cơ dẫn tới đóng băng thương mại với nhiều mặt hàng”, Luật sư Hiệp khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm