Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Đi ngược lại bản chất sandbox

PV 20/07/2020 04:50

Chính phủ vừa công bố dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song các Fintech ở Việt Nam còn rấ́t non trẻ nếu so sánh với mức độ phát triển của Fintech trên thế giới. Thực tế cho thấy Fintech tại Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, hoạt động giới hạn chỉ trong lĩnh vực thanh toán. “Mặc dù đã tạo dựng được vị thế nhất định trên thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn khá khiêm tốn”, TS. Cấn Văn Lực nói thêm.

Sắp có sandbox cho Fintech.

Sắp có sandbox cho Fintech.

Đánh giá về cơ hội phát triển trong giai đoạn này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, đây là thời điểm để doanh nghiệp Fintech phát triển mạnh hơn và góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam sớm đi vào nền kinh tế phi tiền mặt, kinh tế số khi mọi thanh toán được sử dụng online. “Thời điểm này hầu hết người dân đang muốn hạn chế tiếp xúc với người bán, người giao hàng vì thế thanh toán điện tử sẽ là lựa chọn ưu tiên của họ. Khi sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến họ thấy tiện ích sẽ tiếp tục duy trì và tạo thói quen sử dụng thường xuyên hơn”, TS Hiếu nhìn nhận.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, không phải mô hình Fintech nào cũng mang lại thành công. Để hạn chế sự thất bại của mô hình Fintech, cơ chế sandbox đã ra đời. Mỗi nước sẽ có những điều chỉnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung trong sandbox là sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro để dự phòng cho sự thất bại. Nhìn lại dự thảo về sandbox tại Việt Nam, ông Lưu Minh Sang, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM cho rằng điểm cân bằng này tương đối mờ nhạt.

Theo đó, ông Sang cho rằng, các tiêu chí tham gia sandbox mang tính định tính cao, không rõ ràng. Điển hình như tiêu chí “mức độ rủi ro ít hoặc không có khả năng gây ra tác động xấu đến tổ chức tài chính nói riêng và hệ thống tài chính nói chung” và “không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đối với thị trường tài chính - ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung”.

“Hai tiêu chí này dường như đi ngược lại với bản chất của sandbox là “thử nghiệm”. Bởi với những đổi mới sáng tạo được đưa vào thử nghiệm thì rủi ro là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là mức độ tác động có chênh lệch quá lớn so với lợi ích mà nó mang lại hay không?”, ông Sang nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Sang, trên thực tế, rất khó có những đổi mới sáng tạo lần đầu tiên áp dụng mà các nhà khởi nghiệp có thể đảm bảo chắc chắn không tiềm ẩn rủi ro. Thông lệ các nước có cơ chế thử nghiệm đều chấp nhận rủi ro nhất định nhưng điều đó sẽ được cân nhắc với lợi ích thương mại và xây dựng các phương án dự phòng rủi ro để ngăn chặn hậu quả của sự thất bại mà không gây tác động xấu đối với xã hội. Với quy định về tiêu chí như dự thảo, có thể dẫn đến nguy cơ của cơ chế xin - cho khi thực thi. Điều này vô tình đi ngược lại với mục đích thiết lập sandbox là hạ chuẩn đối với rào cản gia nhập thị trường và khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Cùng với đó, việc liệt kê bảy nhóm lĩnh vực FinTech được tham gia sandbox là điều không cần thiết và vô tình xây dựng bốn bức tường cho các hoạt động sáng tạo tiếp theo. Chưa kể, bảy lĩnh vực được liệt kê trong dự thảo cũng không bao quát hết các hoạt động của FinTech đang tồn tại trên thực tế.

“Sandbox cần phải lấy nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh - công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm làm trụ cột. Vì vậy, sandbox không cần giới hạn lĩnh vực mà chỉ cần xây dựng tiêu chí và xác định những “vùng cấm địa” để bảo vệ những giá trị công cộng”, ông Sang nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sang, các quy định về tiêu chí tham gia sandbox cũng như toàn bộ dự thảo đã không có những quy định cần thiết trong việc bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng và cơ chế giám sát rủi ro có thể xảy ra đối với nhóm đối tượng này.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy, sandbox phải đảm bảo việc thử nghiệm không được chuyển rủi ro từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng. Theo đó, yêu cầu về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn về tài sản và quyền lợi của khách hàng là một trong những nội dung quan trọng, bên cạnh những quy định về phòng, chống rửa tiền và sự trung thực, liêm chính của "dịch vụ thử nghiệm”, ông Sang nói.

Cùng với đó, FinTech hiện nay đã bao trùm rất nhiều lĩnh vực của thị trường tài chính và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm, huy động vốn,… Là một quốc gia đi sau, nên chăng chúng ta cần xây dựng sandbox cho FinTech bao trùm các lĩnh vực của thị trường tài chính, thay vì chỉ gói gọn trong hoạt động ngân hàng như dự thảo đã công bố.

“Khi cơ chế sandbox được áp dụng chính thức, các công ty FinTech đang hoạt động hiện nay nếu như không đáp ứng được tiêu chí tham gia sandbox thì sẽ được xử lý như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng nhưng chưa được dự thảo đề cập đến”, ông Sang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi start-up không chờ sandbox…

    05:19, 08/11/2019

  • Cơ chế thử nghiệm Sandbox

    05:43, 18/06/2020

  • Nhiều điểm nghẽn trong triển khai cơ chế Sandbox

    04:55, 08/11/2019

PV