Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
Dù đã trải qua 2 lần soạn thảo nhưng nhiều quy định trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ vẫn được cho là sẽ chồng lấn lên Luật về PPP.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 269/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham dự cuộc họp thẩm định Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Tại dự thảo lần 2 được mang ra bàn luận tại cuộc họp này, VCCI đã tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sẽ chồng lên Luật về PPP.
“Theo đó, khoản 3 đến khoản 6 Điều 81 Dự thảo quy định chung cho các hình thức đầu tư (trong đó có đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP). Liên quan tới đầu tư PPP, các quy định này có nhiều khả năng chồng lấn với quy định tại Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020”, VCCI nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng Luật về PPP vừa được Quốc hội thông qua là đạo luật có tính chất chuyên sâu (gọi theo ngôn ngữ pháp lý là luật chuyên ngành) vì nó quy định về các vấn đề phát sinh trong một lĩnh vực đặc thù là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư.
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ lại là luật chung, quy định về rất nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề về đầu tư, xây dựng, vận hành và thu phí đường cao tốc với tư cách là một loại công trình đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ.
“Vì vậy, chắc chắn giữa hai luật này có một số điểm giao thoa (vùng chồng lấn) mà nếu không được xử lý một cách khéo léo, khoa học, phù hợp với thực tiễn lập pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế thì sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo và mẫu thuẫn giữa hai luật này với nhau. Sau khi nghiên cứu Chương 3, đặc biệt là Mục 4 (Đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, khai thác đường cao tốc) tôi thấy đã xảy ra hiện tượng này”, ông Huệ nhấn mạnh.
Ví dụ: Khoản 6 Điều 87 Dự thảo viết: “Nhà nước cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác đường cao tốc được kéo dài thời gian thu, tăng mức thu và các hình thức chia sẻ rủi ro khác trong trường hợp doanh thu trong việc khai thác, kinh doanh đường cao tốc bị ảnh hưởng do xây dựng đường bộ khác ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông; thiệt hại do thiên tai; khủng hoảng kinh tế; biến động giá và các sự kiện bất khả kháng khác”.
Tuy nhiên, quy định này có nội dung không phù hợp với Luật PPP, cụ thể là với phương án 1 của Điều 84 (cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu), theo đó, việc chia sẻ rủi ro về doanh thu được quy định trong dự án Luật PPP hoàn toàn khác với nội dung của quy định nêu trên trong Dự thảo. Rõ ràng, về một vấn đề mà hai luật lại quy định khác nhau, tức là đã mâu thuẫn với nhau, một điều tối kỵ trong hoạt động lập pháp.
Ngoài ra, ông Huệ cũng lấy ví dụ ở, điểm b, khoản 2 Điều 77 Dự thảo: “Doanh nghiệp dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư có trách nhiệm vận hành, khai thác công trình đường bộ thuộc phạm vi hợp đồng dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.
Quy định này, theo ông Huệ, đồng nghĩa với việc, các quy định của Luật Giao thông đường bộ sẽ được ưu tiên áp dụng trước các quy định của Luật PPP và chỉ trong trường hợp Luật Giao thông đường bộ không có quy định thì mới áp dụng quy định của Luật PPP.
Tuy nhiên, ônh Huệ cho rằng cho rằng quy định như vậy là không đúng vì Luật PPP là luật chuyên ngành, Luật Giao thông đường bộ là luật chung, do đó, theo nguyên tắc phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới thì khi phát sinh một vấn đề mà cả luật chung và luật chuyên ngành đều có quy định thì phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.
“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mối quan hệ giữa Luật Giao thông đường bộ với Luật PPP để khắc phục các hạn chế như vừa nêu trên để đảm bảo cho Luật PPP với tư cách là luật chuyên ngành luôn luôn được ưu tiên áp dụng trước các luật chung khác, trong đó có Luật Giao thông đường bộ”, ông Huệ nhấn mạnh.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, VCCI đề nghị Ban soạn thảo tách các hình thức đầu tư thành 02 nhóm: nhóm PPP thì dẫn chiếu các nội dung liên quan đến hình thức này sang pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; nhóm còn lại mới áp dụng các quy định từ khoản 3-6 Điều 81 Dự thảo.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 6-11/7: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nhiều chồng chéo, lắm bất cập
15:00, 12/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Phân loại bằng lái mới để... hội nhập quốc tế?
05:05, 08/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Nhiều chồng chéo, lắm bất cập
05:40, 06/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Trăm dâu đổ đầu... người tiêu dùng
06:28, 30/06/2020