Chuyện gì đang xảy ra tại Saigon Co.op?

KHÔI NGUYÊN 29/07/2020 05:40

Cơ quan Thanh tra cho rằng, có bất thường khi một số hợp tác xã đang lỗ nhưng lại góp vốn hàng trăm tỉ đồng, tình trạng huy động vốn bên ngoài khiến Saigon Co.op có nguy cơ bị thâu tóm…

Ngày 26/7, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op - PV) sau gần 4 tháng thanh tra. Theo đó, Thanh tra TP HCM phát hiện có nhiều “bất thường” tại lần điều chỉnh vốn thứ 8 khi tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên gần 6.800 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thanh tra cho rằng, nguồn vốn được một số hợp tác xã huy động từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cho nên, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu…

hihihi

Thanh tra TP HCM phát hiện có nhiều “bất thường” tại lần điều chỉnh vốn thứ 8 khi tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên gần 6.800 tỉ đồng...

Nguy cơ bị chi phối?

Vậy, do đâu mà Cơ quan Thanh tra cho rằng, có nhiều cá nhân, tổ chức muốn “nhảy vào” thâu tóm Saigon Co.op? Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại mô hình hoạt động và sự tăng trưởng của Saigon Co.op trong những năm gần đây…

Tiền thân là Ban quản lý Hợp tác xã mua bán thành phố, sau đó được UBND TP HCM tái cơ cấu thành Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố vào năm 1989. Và hiện đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM với 26 hợp tác xã thành viên. Lĩnh vực hoạt động chính của Saigon Co.op là bán lẻ, đầu tư, xuất nhập khẩu và sản xuất với 18 thương hiệu, công ty con.

Riêng lĩnh vực bán lẻ mang về nguồn thu lớn nhất nhờ hệ thống "chân rết" hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Cheers... phủ khắp cả nước.

Theo quy định của Saigon Co.op, đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất. Hội đồng quản trị do đại hội thành viên bầu ra trong nhiệm kỳ 5 năm, gồm 1 chủ tịch đồng thời là người đại diện theo pháp luật và 6 ủy viên. Các hợp tác xã thành viên đều có bộ máy điều hành và quản lý riêng, trong đó 25 hợp tác xã được tổ chức theo mô hình chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm tổng giám đốc.

Số liệu từ Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, doanh thu thuần năm 2017 và 2018 của công ty mẹ Saigon Co.op lần lượt trên 17.600 tỷ đồng và 20.590 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu nhảy lên 23.920 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 980 tỷ đồng.

hhiiii

Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài

Còn theo số liệu đơn vị này tự công bố, doanh thu năm ngoái đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Mục tiêu cho năm nay là tăng trưởng 10% lên 38.900 tỷ đồng nhờ phát triển thêm 200 điểm bán mới, vượt mốc 1.000 điểm bán vào cuối năm để trở thành đơn vị bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình nhất.

Có thể nói, Saigon Co.op đang dẫn đầu thị phần kênh siêu thị với tỷ lệ 43%, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai. Ở phân khúc đại siêu thị, đơn vị này cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất nằm trong danh sách cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall.

Sự phát triển ổn định trong những năm gần đây, theo hãng kiểm toán Deloitte, đến từ việc đơn vị này am hiểu thị trường nội địa và đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng. Hai doanh nghiệp phụ trách hoạt động sản xuất Saigon Co.op là Công ty Thương mại dịch vụ Xuân Hồng chuyên gia công, phân phối nông sản và Công ty Thực phẩm quốc tế Nam Dương nổi tiếng với thương hiệu nước chấm "con mèo đen".

Trong lĩnh vực đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op là doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính. Công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Saigon Co.op còn một công ty chuyên về xuất nhập khẩu, là đơn vị phân phối và đại lý độc quyền của nhiều thương hiệu nước ngoài như viết Parker & Waterman, dầu gội Pantene, Head & Shoulders...

Một số chuyên gia cho rằng, với sự tăng trưởng nhanh và phát triển ổn định trong những năm gần đây của Saigon Co.op như vậy, thì chuyện nhiều cá nhân, tổ chức muốn “thâu tóm” Saigon Co.op là có cơ sở…

“Bất thường” tại Đại hội

hihi

Các hợp tác xã thành viên yêu cầu đại hội miễn nhiệm tư cách HĐQT và giao HĐQT cách chức Tổng giám đốc Saigon Co.op đối với ông Nguyễn Anh Đức.

Ngày 24/7/2020, Đại hội thành viên Saigon Co.op đã tổ chức phiên họp Đại hội thành viên thường niên nhằm thông qua các báo cáo hàng năm của Liên hiệp. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của phiên họp không phải là những báo cáo hay định hướng kinh doanh của năm sau mà là việc các hợp tác xã thành viên yêu cầu đại hội miễn nhiệm tư cách HĐQT và giao HĐQT cách chức Tổng giám đốc Saigon Co.op đối với ông Nguyễn Anh Đức.

Được biết, ông Nguyễn Anh Đức là thành viên HĐQT và được HĐQT bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Saigon Co.op đầu tháng 4 năm 2020, nhưng chưa được Đại hội thành viên thông qua theo quy định của Saigon Co.op.

Theo tờ trình của các HTX thành viên, sau khi giữ chức Tổng giám đốc, ông Nguyễn Anh Đức đã không tích cực triển khai các nghị quyết mà Đại hội thành viên Saigon Co.op năm 2019 và 2020 đã thông qua để tăng cường nguồn lực đảm bảo kế hoạch kinh doanh trong tình hình dịch COVID -19. Ngược lại, kế hoạch của Đại hội thành viên và các nghị quyết bị đình trệ. Điều này đã khiến cho các HTX mất niềm tin sau nhiều năm xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh bán lẻ.

Tại Đại hội thành viên, có một câu chuyện đáng chú ý mà nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải, đó là ngay sau khi tờ trình miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Anh Đức được thông qua, đến khi tiến hành bỏ phiếu thì đột ngột phòng họp bị cắt điện(!?).

Cũng tại đại hội của Saigon Co.op, nhiều nguồn tin cho rằng, phương án tăng vốn điều lệ lên gấp đôi so với mức 3.200 tỷ đồng hiện nay nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh cũng được đưa ra. Thế nhưng đề xuất này trước đó đã vấp phải một số ý kiến trái chiều, không đồng ý tăng vốn, nếu tăng thì phải đánh giá lại tài sản của Saigon Co.op theo giá thị trường.

Tuy nhiên, sau tất cả những trục trặc, Đại hội thành viên thường niên của Saigon Co.op vẫn được diễn ra thành công khi các tờ trình đều được thông qua. 

Theo Nghị quyết Đại hội thành viên thường niên năm 2020 của Saigon Co.op số 13/NQ-ĐHTV ngày 24/7/2020, đại hội thông qua tờ trình của các HTX thành viên về việc bãi nhiễm tư cách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 với ông Nguyễn Anh Đức từ ngày 24/7/2020 và giao HĐQT cách chức Tổng giám đốc của ông Đức và ông Phạm Trung Kiên - thành viên ban Tổng giám đốc.

Bên cạnh đó, đại hội chấp thuận việc rút vốn của các HTX thành viên có yêu cầu gửi đến Saigon Co.op. Đồng thời thông qua phương án huy động vốn và kết quả tăng vốn điều lệ, tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết số 11/NQ-ĐHTV ngày 6/7/2019.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao ông Diệp Dũng bị đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy Saigon Co.op?

    Vì sao ông Diệp Dũng bị đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy Saigon Co.op?

    14:37, 28/07/2020

  • Saigon Co.op và dấu hỏi lớn về tăng vốn điều lệ năm 2020

    Saigon Co.op và dấu hỏi lớn về tăng vốn điều lệ năm 2020

    08:26, 28/07/2020

  • “Ván bài lật ngửa” của Saigon Co.op

    “Ván bài lật ngửa” của Saigon Co.op

    17:14, 15/07/2019

  • HDBank và Saigon Co.op ký kết hợp tác toàn diện

    HDBank và Saigon Co.op ký kết hợp tác toàn diện

    06:06, 26/07/2019

  • Saigon Co.op sẽ “san lấp” khiếm khuyết từ Auchan?

    Saigon Co.op sẽ “san lấp” khiếm khuyết từ Auchan?

    21:19, 01/07/2019

KHÔI NGUYÊN