Vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại: “Lá chắn” cho hàng hóa Việt

ĐỖ HUYỀN 14/08/2020 05:10

Trong bối cảnh các vụ kiện về phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng thì việc chủ động ứng phó là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện phòng vệ và giữ vững thị phần.

Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ được yêu cầu tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm triển khai nhiệm vụ trong Quyết định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả với trọng tâm chỉ đạo điều hành. Đây được đánh giá là một trong những bước đi chủ động trong việc ứng phó với phòng vệ thương mại.

Thép là một trong những mặt hàng bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Thép là một trong những mặt hàng bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Việt Nam khởi kiện phòng vệ thương mại chưa bằng 1/10 bị kiện

Từ trước tới nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hơn 160 vụ việc. Trong khi đó, tổng số vụ việc Việt Nam chủ động khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu chỉ vỏn vẹn 16.

Trước đó, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 165 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 93 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 21 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 33 vụ việc tự vệ. Các vụ việc khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....

Các sản phẩm của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại không hiếm và thép là một trong những mặt hàng phải đối diện với nhiều vụ kiện trong thời gian qua, ở rất nhiều thị trường. Tuy nhiên, vụ việc lần này tương đối hiếm khi cơ quan có thẩm quyền của Mỹ tự khởi xướng mà không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp. Điều này cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.

Xu hướng phòng vệ thương mại đang là thực tế doanh nghiệp nhiều ngành hàng phải đối diện, song song với những lợi ích thuế quan mà doanh nghiêp nhận được trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Theo Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều lên.

Hơn nữa, hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, nếu như trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.

Cần sự chủ động hơn nữa từ doanh nghiệp

Đáng lưu ý, trong số các quốc gia “thường xuyên” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất, 30 vụ. chiếm tới 19%; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 21 vụ, chiếm 14%; Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và EU 14 vụ, chiếm 9%…

Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng mặt trời; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.

Để hạn chế thiệt hại với doanh nghiệp trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập khuyến cáo rằng không có cách nào tuyệt đối để tránh bị khởi kiện phòng vệ thương mại . Cách thức khả thi nhất có lẽ là đối mặt.

“Tùy vào cách thức phản ứng của doanh nghiệp, thiệt hại với mỗi doanh nghiệp là không giống nhau. Doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, tham gia tích cực vào các cuộc điều tra có thể nhận được mức thuế phòng vệ thấp hơn. Thậm chí ngay cả khi đã bị áp thuế, trong những năm tiếp theo vẫn có cơ hội giảm thuế, thậm chí là thuế về 0% nếu có chiến lược tham kiện thích hợp”, bà Trang nhấn mạnh.

Cũng theo bà Trang, kiện phòng vệ thương mại là kiện cả một ngành sản xuất xuất khẩu sản phẩm liên quan. Vì vậy đó không phải là cuộc chiến riêng lẻ của doanh nghiệp nào. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp đang sản xuất xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường liên quan với nhau trong ứng phó với vụ kiện là cần thiết.

Với các doanh nghiệp có chiến lược trọng tâm là xuất khẩu và vào các thị trường có nguy cơ cao, việc chuẩn bị kiến thức về các vụ kiện phòng vệ, nguồn lực để sử dụng khi cần thiết, bảo đảm các tài liệu sổ sách chứng từ đúng chuẩn mực quốc tế để chứng minh bảo vệ mình khi bị điều tra là điều cần làm. Ngoài ra, cần thường xuyên cùng các đối tác nhập khẩu cập nhật tình hình thị trường và các nguy cơ kiện cũng là rất cần thiết”, TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao ngành gỗ lại là tâm điểm của các vụ kiện về phòng vệ thương mại?

    05:10, 27/07/2020

  • HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Doanh nghiệp không thể đơn độc

    11:50, 05/07/2020

  • HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Đối mặt với xu hướng gia tăng

    11:05, 05/07/2020

  • Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

    04:30, 04/07/2020

ĐỖ HUYỀN