Hai dự thảo luật về giao thông đường bộ đang chồng lên nhau?

ĐỖ HUYỀN 18/08/2020 05:00

Dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa được công bố đã được giới chuyên gia chỉ ra là có nhiều điểm chồng chéo, mẫu thuẫn lẫn nhau.

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều đáng nói, tại dự luật này, nhiều nội dung trùng với dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) mà Bộ Giao thông vận tải cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành.

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an chấp bút trùng lặp, chồng chéo với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT biên soạn.

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an chấp bút trùng lặp, chồng chéo với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT biên soạn.

Nhiều quy định còn chồng lấn nên nhau

Có đến hai nội dung lớn bị trùng là các quy định về hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ; về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đầu tiên, trong 48 từ ngữ được dự thảo 4 Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giải thích thì có đến 28 từ ngữ đã có trong dự thảo 2 Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong số này, có một khái niệm về ùn tắc giao thông mà thay vì để vào phần giải thích thì dự thảo 2 Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lại để vào chỗ khác.

Đơn cử, hai dự thảo luật đều cùng quy định thế nào là đường phố, đường cao tốc, đường ưu tiên, phương tiện giao thông đường bộ, ô tô chở người, ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chuyên dùng, rơmoóc, sơmi rơmoóc, xe gắn máy, xe đạp điện…

Ngoài ra, trong quy tắc giao thông đường bộ, hai dự thảo đều quy định chung như nhau rằng người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Cùng với đó, việc di chuyển trên đường bộ phải đảm bảo tuân thủ các quy tắc giao thông để không gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác… Hai dự thảo cũng có nhiều quy định tương tự về biển báo hiệu đường bộ và tín hiệu đèn giao thông.

Chỉ cần Luật về Giao thông đường bộ?

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, không nên có thêm đạo luật trùng nhau vì một lĩnh vực không mới thì không nên ban hành đạo luật mới. Với một đạo luật đã có như Luật Giao thông đường bộ thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung và không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức.

"Nguyên tắc là chỉ ban hành những luật mà trong xã hội có những vấn đề, những quan hệ xã hội mới mà chưa có quy định để điều chỉnh. Còn với những vấn đề đã cũ, không có gì mới thì không cần thiết phải xây dựng thành đạo luật riêng”, Luật sư Cường nêu quan điểm.

Trong khi đó, Luật sư Trần Công Ly Tao nhấn mạnh tiếng là dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhưng với 156 điều (dự thảo 1) hoặc 129 điều (dự thảo 2), tức đều nhiều hơn luật hiện hành gồm có 89 điều thì nên coi đó là Luật Giao thông đường bộ mới để thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008. Xác định như thế sẽ phù hợp hơn.

"Khi soạn thảo luật mới, chính Bộ Giao thông vận tải cũng nhìn ra những thiếu sót của luật hiện hành và đã nỗ lực điều chỉnh, bổ sung để mong có được sự đầy đủ hơn nhằm mang lại nhiều hiệu quả hơn trong việc thực thi. Cùng có mục đích tương tự, khi xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng nhìn thấy nhiều sự chưa được của Luật Giao thông đường bộ 2008 và đã chủ động sửa đổi, đề ra nhiều quy định mới để đưa vào dự thảo.

Như vậy, khi mục tiêu của Luật Giao thông đường bộ mới cũng là để tạo ra sự trật tự, an toàn giao thông, nên chăng thay vì thêm Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chỉ cần là một Luật Giao thông đường bộ mới đầy đủ hơn, phù hợp hơn với các yêu cầu của thực tiễn. Với phương án này, người dân và các cơ quan chức năng, trong đó có các cơ quan công an đều dễ nhớ, dễ thực thi", Luật sư Tao nhấn mạnh.

Do đó, Luật sư Tao cho rằng để loại bỏ được sự trùng lặp rất khó tránh vì nếu không quy định những nội dung cần thiết thì mỗi luật đều có những thiếu sót, thay vì có hai luật khác nhau liên quan đến giao thông đường bộ thì chỉ cần có một Luật Giao thông đường bộ mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ

    05:06, 21/07/2020

  • DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 6-11/7: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nhiều chồng chéo, lắm bất cập

    15:00, 12/07/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Phân loại bằng lái mới để... hội nhập quốc tế?

    05:05, 08/07/2020

  • Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Nhiều chồng chéo, lắm bất cập

    05:40, 06/07/2020

ĐỖ HUYỀN