Báo động vi phạm pháp luật về đê điều: Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước những phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về hiện trạng “loạn” vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý…
Ngày 14/8/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6762/VPCP-NN yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý… nội dung phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp, về hiện trạng 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều ngay tại Thủ đô nhưng chỉ mới xử lý được 5 vụ. Đáng nói, tính từ năm 2011 – 2019, thành phố còn tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý, dẫn đến tình trạng đe dọa an toàn đê điều và ảnh hưởng hành lang thoát lũ.
Vi phạm – đang bị xem nhẹ?
Mặc dù câu chuyện vi phạm hành lang đê điều không phải mới, tuy nhiên, với nhiều bài học nhãn tiền đã xảy ra, công tác bảo vệ hành lang đê điều hiện nay, có đang bị xem nhẹ?
Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý thông tin nội dung bài viết: “loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội, ông Trần Công Tuyên – Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) nhấn mạnh: Công tác bảo vệ an toàn tuyến đê trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng luôn là vấn đề cấp thiết, đặc biệt, khi đang trong cao điểm mùa mưa, lũ…
Cũng theo ông Tuyên, trong công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, cần nêu cao vai trò chỉ đạo, trách nhiệm của người đứng đầu, khi có vi phạm cần phải xử lý ngay, tránh để tồn tại theo kiểu việc đã rồi. Hiện nay, việc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng vẫn chưa được áp dụng triệt để.
“Hàng năm, Bộ NN&PTNT cũng có những cuộc kiểm tra phối hợp với Bộ Công an để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều tại các địa phương, trong đó, ưu tiên công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tránh để việc chủ quan dẫn đến các hệ lụy đáng tiếc. Riêng tại Hà Nội, do đặc thù tuyến đê dài nên vi phạm cũng là lớn nhất. Mặc dù Hà Nội đã làm được rất nhiều việc, tuy nhiên, chuyển biến vẫn còn hạn chế” – ông Tuyên chia sẻ.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Không chỉ riêng Hà Nội với hàng loạt những bất cập đang tồn tại xung quay câu chuyện chấp hành pháp luật đê điều, tại nhiều tỉnh, thành việc vi phạm pháp luật về đê điều vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, không chỉ để tồn tại hiện trạng vô tư lấn chiếm hành lang đê, kinh doanh, sản xuất, lãnh đạo địa phương còn bất chấp quy định, nguy hiểm, tiếp tay cho doanh nghiệp ngang nhiên “xẻ thịt” hành lang bảo vệ đê điều.
Như tại Hải Phòng, mặc dù đã có những văn bản chỉ đạo từ Trung ương về việc xử lý sai phạm của Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương, nằm ở K11-800 đê hữu Văn Úc (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), gồm 06 tổ hợp phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23,921m2; 250m cầu tầu (KT 250x20m), trong đó đã xây dựng hoàn thành 200m, 50m đang triển khai dây dựng, kết cấu bằng bê tông cốt thép trên bệ cọc cao; triền đà chiều dài 263m.
Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, “điệp khúc” sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, trong khi, trách nhiệm vẫn bị bỏ quên.
Tương tự, việc lấn chiếm, “xẻ thịt” hàng lang bảo vệ đê điều, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về đê điều cũng xảy ra trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, khi chính quyền địa phương “thản nhiên” xâm phạm “vùng cấm” - nằm trong chỉ giới khu vực hành lang thoát lũ khi thực hiện dự án đền bù đất cho người dân.
Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Trao đổi với PV, lãnh đạo Vụ Quản lý đê điều cũng khẳng định: Luật Đê điều quy định rất cụ thể về việc phân cấp và chịu trách nhiệm về quản lý đê điều, trong đó, các địa phương để xảy ra sai phạm, vi phạm liên quan đến hành lang đê, gây ảnh hưởng, mất an toàn hành lang đê điều, phải thực hiện xử lý nghiêm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nêu rõ:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.