Rút ngắn thời hạn bằng lái xe: “Gây lãng phí không cần thiết và phiền hà cho người dân”
Mặc dù chỉ mới là đề xuất, tuy nhiên, việc rút ngắn thời hạn bằng lái xe đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự thay đổi này sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí…
Mới đây, trong dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông (Luật ĐBTTATGT) vừa trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp giấy phép lái xe xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ Giao thông vận tải quy định.
Cụ thể, tại quy định về thời hạn của giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn, các giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, đây là nội dung mới vừa được đơn vị này bổ sung vào dự thảo.
Lý do được đưa ra, thời hạn cấp sử dụng giấy phép lái ôtô 10 năm như hiện nay là quá dài, trong khoảng thời gian này, người lái xe có sự thay đổi về sức khỏe, có thể không đủ đảm bảo để lái xe nhưng cơ quan chức năng không phát hiện sẽ gây ra hậu quả, có thể là tai nạn giao thông.
Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này, nhiều tài xế cho rằng, việc thay đổi thời hạn trong giấy phép lái xe sẽ dẫn đến bất cập bởi thời gian 5 năm là quá ngắn, gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, đặc biệt đối với những tài xế chọn phương tiện ô tô làm nghề mưu sinh.
Anh Nguyễn Văn Thái, một tài xế taxi tại Hà Nội cho biết: gần 10 năm lái xe, chưa bao giờ tôi thấy có nhiều sự thay đổi như hiện nay, nào là thay đổi biển số, cấp phù hiệu, thi chứng chỉ hành nghề,… bây giờ lại rút ngắn thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm thì quá phiền phức, bởi mỗi lần đi đổi bằng rất mất thời gian, chưa kể đến còn kèm theo nhiều chi phí.
Cũng liên quan đến đề xuất mới của Bộ Công an trong dự thảo Luật ĐBTTATGT, không ít ý kiến trái chiều cũng được đưa ra, trong đó, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thay đổi này sẽ “gây lãng phí không cần thiết và phiền hà cho người dân”.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, phân tích: “Cần phải làm rõ được mục đích của việc thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe, nếu cơ quan quản lý nhà nước có những thay đổi và yêu cầu cập nhật kiến thức mới cho lái xe thì việc đổi giấy phép có ý nghĩa, còn nếu trong điều kiện bình thường đang 10 năm đổi một lần mà thành đổi hai lần thì gây nhiều phiền toái cho người dân. Hoặc nếu muốn rút thời hạn giấy phép lái xe thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu kỹ, có thể chia ra độ tuổi của lái xe bởi với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết”.
Cũng theo ông Quyền, thời hạn 5 năm chỉ nên áp dụng với một số hạng giấy phép lái xe, còn lại nên theo quy định như hiện nay các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN cho rằng: Sự đồng bộ về cơ sở vật chất, nhận thức pháp luật của người dân và năng lực của cán bộ liên quan đến giao thông mới là ba vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết triệt để khi muốn giảm thiểu được tai nạn giao thông, chứ không phải việc thay đổi thời hạn giấy phép lái xe 5 năm hay 10 năm.
Được biết, đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe như Bộ Công an vừa trình Chính phủ, là vấn đề không mới, bởi trước đó, trong quá trình soạn thảo Thông tư 58/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, các cơ quan quản lý đã đề cập đến rất nhiều. Cuối cùng các bên thống nhất thời hạn giấy phép lái xe đối với hạng B1, A4 và B2 là 10 năm bởi nếu rút xuống 5 năm sẽ tốn kém về kinh phí, rườm rà về thủ tục.
Có thể bạn quan tâm