Đột phá kinh tế thị trường
Việc xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ sẽ là động lực để Việt Nam có thể phát triển và bứt phá trong thời gian tới.
Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Cũng theo ông Cung, tiền đề để xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ là Việt Nam cần phải kết thúc quá trình chuyển đổi đã diễn ra trong 30 năm qua.
Sau 30 năm Việt Nam vẫn đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Ông Cung bày tỏ mong muốn “nhiệm kỳ” này sớm kết thúc, chứ không 40-50 năm, hay nhiều hơn nữa, Việt Nam có lẽ vẫn đang trên con đường chuyển sang kinh tế thị trường. Muốn có kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ thì đầu tiên ta phải kết thúc quá trình chuyển đổi
-Vậy đâu sẽ là những đặc trưng để nhận diện mô hình kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, thưa ông?
Đây sẽ là mô hình kinh tế thị trường mà trong đó Nhà nước và thị trường sẽ thực hiện một cách hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước, thay vì can thiệp một cách thái quá vào thị trường thì hãy để thị trường vận động theo đúng quy luật của nó.
Sẽ có 6 đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện đại bao gồm:
Thứ nhất, có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định. Theo đó, mỗi tài sản, dù là công hữu hay tư hữu đều có chủ và chủ sở hữu cụ thể có đầy đủ các quyền sở hữu; thừa nhận đa dạng về tài sản, gồm cả quyền và hiện vật. Chủ sở hữu có thể là thể nhân, pháp nhân (gồm pháp nhân tư pháp và pháp nhân công quyền)… sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu.
Thứ hai, về các chủ thể thị trường và tự do kinh doanh thì các chủ thể thị trường phải độc lập về mặt pháp lý, đa dạng; có quyền tự chủ và tự do kinh doanh. Khi ấy câu chuyện thị trường sản xuất cái gì, nuôi con gì, trồng cây gì sẽ do thị trường quyết định chứ không cần đến bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Thứ ba, kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ sẽ phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh công bằng và có trật tự, độc quyền phải được kiểm soát có hiệu quả; cạnh tranh không lành mạnh phải bị trừng phạt và loại trừ.
Thứ tư, tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường là hai yếu tố cơ bản chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường.
Thứ năm, giá cả tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất đều được quyết định dựa trên khan hiếm nguồn lực, cạnh tranh và quan hệ cung cầu của thị trường.
Và cuối cùng là sáng tạo, đào thải. Tức là cạnh tranh thị trường một cách công bằng và có trật tự sẽ lựa chọn người thắng cuộc. Ở nơi đó, doanh nghiệp hay quốc gia năng động, sáng tạo, tìm kiếm các cách thức phù hợp gia tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực… thì doanh nghiệp, cá nhân hay quốc gia đó sẽ vượt lên. Các doanh nghiệp không cạnh tranh được sẽ bị thị trường đào thải để nhường chỗ, nhường cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp khác.
-Nhưng, nói cho cùng thì đây cũng chỉ là những lý lẽ về mặt học thuật, vậy theo ông làm thế nào để phân biệt được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ?
Khác biệt của kinh tế thị trường hiện đại và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nằm chính ở vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội gồm: tạo nhiều hơn cơ hội cho người dân; Nhà nước đảm bảo công bằng hơn cho cơ hội tiếp cận phát triển; Nhà nước chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng toàn diện, bao trùm; Nhà nước đầu tư và phát triển vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm hoặc không làm được; Nhà nước không đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận; Nhà nước cũng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn, tốt hơn cho việc phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân và an sinh xã hội và cuối cùng là Nhà nước phải vì dân mà phục vụ nhiều hơn.
-Đó có lẽ là mục tiêu mà tất cả các nhà nước trên thế giới đều hướng đến. Vậy, trong bối cảnh mới như hiện nay, Nhà nước phải làm thế nào để thực hiện được mục tiêu trên, thưa ông?
Có hai vấn đề chúng ta cần phải làm để đạt được mục tiêu trên:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tách bạch hoàn toàn bộ phận "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa" thành các bộ phận độc lập nhau. Đây sẽ là điều kiện điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể xây dựng thành công nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ.
Cùng với đó, việc thay đổi nhận thức về chức năng và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại cũng là vấn đề quan trọng cần lưu tâm.
- Xin cảm ơn ông!
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ vai trò của nhà nước sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của nền kinh tế.
Theo đó, nhà nước phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung khổ pháp lý và bộ máy chính sách thực thi nhằm xác lập rõ ràng, cụ thể sở hữu tài sản và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản; đảm bảo quyền tự do hợp đồng và thực thi có hiệu quả các hợp đồng; đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức; nhà nước phải khắc phục các khiếm khuyết và thất bại của thị trường nhưng đồng thời không làm cho thị trường hoạt động một cách méo mó, sai lệch.
Cùng với đó, nhà nước cũng phải tạo lập bình đẳng về cơ hội, phân phối lại thu nhập nhằm giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội và hỗ trợ, nâng đỡ nhóm xã hội yếu thế. Cuối cùng, nhà nước phải tổ chức cung ứng các loại dịch vụ thiết yếu và thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác.