“Nan giải” nạn xe quá khổ, quá tải: “Bắt cóc bỏ đĩa” - lãng phí tiền bạc
Mặc dù, chi phí đầu tư hàng năm cho việc xây, sửa hạ tầng giao thông là không hề nhỏ, thế nhưng, trước sự hoành hành của vấn nạn xe quá khổ, quá tải, những con đường vẫn ngày ngày “kêu cứu”…
Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm 4.350 trường hợp, phạt gần 18 tỷ đồng, tạm giữ 76 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 499 trường hợp, trong đó có 691 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, phạt hơn 9 tỷ đồng, tạm giữ 33 phương tiện; 44 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe, phạt hơn 700 triệu đồng…
Thế nhưng, liệu những con số trên đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay(?), khi nhiều con đường quanh TP. Hà Nội vẫn ngày ngày phải “oằn mình” vì vấn nạn xe quá khổ, quá tải,…
Thực trạng này không chỉ đe dọa an toàn của những tuyến đê phòng hộ, mà còn khiến nhiều tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng, đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông, đặc biệt là những quận, huyện ven Thành phố như: Thanh trì, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh,...
Trong đó, không ít điểm nóng luôn được dư luận nhắc tới bởi sự hoành hành của “hung thần” quá khổ, quá tải như tại đường 70 chạy qua địa bàn hai phường Thượng Cát – Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Không chỉ gây ra hiện trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa mất an toàn giao thông, mà hiện trạng quá khổ, quá tải trên địa bàn này còn khiến cung đường 70 liên tục rơi vào hiện trạng xuống cấp dù được duy tu, sửa chữa thường niên.
Ngoài cung đường 70, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng từng có bài viết “Đan Phượng (Hà Nội): Tỉnh lộ 422 “oằn mình” vì vấn nạn quá khổ - quá tải” phản ánh về hiện trạng xuống cấp trầm trọng của tỉnh lộ 422, trong đó, lực lượng Công an huyện Đan phượng cũng đã tiếp nhận thông tin phản ánh và có phản hồi sẽ lưu ý về vấn đề này.
Tuy nhiên, trên thực tế, cung đường này cũng đang trở thành một trong những điểm nóng khiến dư luận vô cùng bức xúc, xe quá khổ, quá tải vẫn mặc nhiên hoành hành; đường xuống cấp, khói, bụi, ô nhiễm,… dân chịu; lực lượng chức năng “buông lỏng” quản lý… khiến con đường “đau khổ” tiếp tục “oằn mình” vì vấn nạn quá khổ, quá tải.
Theo ghi nhận của PV, mặc dù tỉnh lộ 422 mới được duy tu, sửa chữa từ đầu năm 2020 nhưng đã lại bắt đầu xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn hiện dài nhiều vết lứt loang lổ, những miếng vá trong quá trình duy tu chưa kịp làm con đường mới hơn cũng bắt đầu lồi lõm, mấp mô,…
Lỗi tại ai? Tại đơn vị thi công “rút ruột”, hay tại chính sự “buông lỏng” thờ ơ của lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ?
Tại Đan Phượng, ngoài hiện trạng tỉnh lộ 422 thì tại cung đường liên xã Tân Hội – Hạ Mỗ, tình trạng xe quá khổ, quá tải xuất hiện ngày một dày hơn khiến nhiều đoạn trên cung đường này hư hỏng.
Vậy, những nỗ lực đầu tư xây dựng, sửa chữa các cơ sở hạ tầng giao thông liệu còn ý nghĩa? Chi phí từ ngân sách Nhà nước chi ra chẳng khác nào như bát nước đổ xuống dòng sông nếu các lực lượng chức năng không quyết liệt hơn trong công tác quản lý.
Thông tin với báo chí, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội - Lê Xuân Tiến từng cho biết, để xử lý hiệu quả tình trạng xe chở quá tải, trước hết mỗi lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra Sở phải chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; không bao che, dung túng hoặc bỏ qua vi phạm, phối hợp tốt theo hình thức liên ngành, tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc, xếp hàng hóa… Các đội trưởng Thanh tra GTVT phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GTVT nếu còn để xảy ra vi phạm.
Cũng theo ông Tiến, đơn vị đã đề xuất Giám đốc Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, đối với các doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm, tái phạm, cần xem xét tạm thời tước quyền sử dụng phù hiệu, thậm chí tước giấy phép kinh doanh vận tải.
“Bên cạnh đó, cùng với việc xử lý vi phạm tại trạm cân di động, theo đề án sắp tới, Thành phố sẽ lắp thí điểm trạm cân tự động trên một số tuyến đường hay có xe vi phạm, xe nào chở quá tải sẽ bị ghi lại thông số và thời điểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp vừa minh bạch thông tin vừa xử lý chính xác đối tượng vi phạm” – ông Lê Xuân Tiến chia sẻ.