Vụ "Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam kêu cứu": Hệ lụy thủ tục vẫn đè nặng doanh nghiệp

GIA NGUYỄN - KHÔI NGUYÊN 13/09/2020 04:50

Mặc dù đã có văn bản thay thế, sửa đổi sự chồng chéo trong cấp phép nhập khẩu một số nguyên liệu bổ sung sản xuất thức ăn chăn nuôi, thế nhưng, gánh nặng trên vai doanh nghiệp vẫn chưa được trút bỏ…

 Mặc dù đã có những thay đổi về mặt hành lang pháp lý, nhưng những hệ lụy từ sự chồng chéo trước đó doanh nghiệp vẫn là người phải gánh, liệu có thỏa đáng?

Mặc dù đã có những thay đổi về mặt hành lang pháp lý, nhưng những hệ lụy từ sự chồng chéo trước đó doanh nghiệp vẫn là người phải gánh, liệu có thỏa đáng?

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước sự chồng chéo trong quản lý việc nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi, Viegacid-L; Mega APM; Megacid-P; Megacid L plus đã khiến Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam (Công ty Omega Việt Nam) lao đao. Sau thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ liên quan cần công khai thủ tục hành chính, tránh trường hợp tương tự xảy ra. Thế nhưng, những thay đổi từ các thủ tục hành chính bị chồng chéo trước đó, vẫn chưa thể trút bỏ được gánh nặng đang “đè vai”… doanh nghiệp!

Từ cơ chế mở…

Liên quan đến vụ việc của Công ty Omega Việt Nam và hoạt động cấp phép lưu hành một số chất nguyên liệu bổ sung được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với bà Hoàng Hương Giang, đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT).

Trao đổi với PV, bà Hoàng Hương Giang xác nhận: các mặt hàng nguyên liệu Viegacid-L; Mega APM; Megacid-P; Megacid L plus đều nằm trong danh mục được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam, theo đúng quy trình cấp phép được quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP, ngày 04/4/2017.

Cũng theo bà Giang: Công ty Omega Việt Nam có nhập khẩu các mặt hàng trên từ ngày 03/5/2018, quá trình nhập khẩu, Công ty đã thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP, trước thời điểm làm việc với Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Chăn nuôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh của tổ chức, cá nhân nào liên quan đến vi phạm chất lượng các lô hàng nhập khẩu cũng như các hoạt động nhập khẩu của Công ty này.

Cục Chăn nuôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, như đối với hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu Viegacid-L; Mega APM; Megacid-P; Megacid L plus, chỉ cần một doanh nghiệp có hồ sơ xin cấp phép lưu hành được phê duyệt và đăng công khai trên Cổng thông tin của Bộ thì các doanh nghiệp sau đó đều được thực hiện nhập khẩu loại nguyên liệu này mà không cần phải đăng ký lại hồ sơ xin phép nữa” – Bà Giang nói.

Doanh nghiệp vẫn “ngột thở”… vì hệ lụy

Theo bà Hoàng Hương Giang, khi vụ việc của Công ty Omega Việt Nam xảy ra, Cục Chăn nuôi cũng đã có nhiều văn bản hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề xác nhận pháp lý của lô hàng, cũng như kiến nghị của Bộ NN&PTNT gửi các Bộ liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn không có nhiều biến chuyển. Đặc biệt là việc đã có văn bản điều chỉnh bỏ quy định quản lý mặt hàng thức ăn chăn nuôi chứa tiền chất ra khỏi Danh mục chất ma túy và tiền chất công nghiệp (Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020) nhưng doanh nghiệp vẫn bị phạt theo các quyết định trước đó.

Trải lòng về thực trạng đã qua, Giám đốc Công ty Omega Việt Nam – Bùi Anh Tuấn chia sẻ: Nếu ngay từ đầu chúng tôi biết được phải xin phép cả Cục Hóa chất mới có thể nhập hàng, không đời nào doanh nghiệp lại vi phạm để rồi bị phạt, nhất là khi vốn điều lệ của công ty chỉ có 2 tỉ đồng mà tổng mức phạt lên tới 2,7 tỉ. Chúng tôi chỉ mong, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng xem xét thu hồi các quyết định xử phạt, bởi lỗi vi phạm này doanh nghiệp hoàn toàn không nắm được…

Và chính tại văn bản số 1226/CN-TĂCN ngày 24/7/2019 trả lời Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Chăn nuôi cũng cho biết, nếu áp doanh nghiệp vi phạm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Nghị định số 73/2018/NĐ-CP có thể gây ra sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước khi một sản phẩm phải chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ là không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.

Vậy, bất cập ở đâu? Tại sao nút thắt đã được cởi nhưng doanh nghiệp vẫn “ngột thở”?
Đến khi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ra đời, sửa sai về mặt pháp lý, loại bỏ sự chồng chéo, nhưng vẫn bắt doanh nghiệp phải “gánh” hệ lụy, liệu có thỏa đáng?

 Những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan nằm ở đội ngũ xây dựng pháp luật còn hạn chế, trong khi đó bộ phận pháp chế khi xây dựng luật chỉ thuần túy về mặt pháp lý, thiếu thực tiễn nên tham mưu chính sách còn ít nhiều có hạn chế... Phải tạo áp lực, buộc bộ ngành phải rà soát lại các quy định của họ, cái nào không hợp lý thì bỏ đi, không rõ ràng, xem xét lại. Tránh tình trạng, chỉ rà soát những quy định đơn giản, những quy định mang tính quyền lực của họ vẫn còn, vẫn giữ cho bằng được.

Phạm Chi Lan,
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp 

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin DĐDN nêu về việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi

    Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra thông tin DĐDN nêu về việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi

    19:10, 10/08/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp

    Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp

    14:32, 03/09/2020

  • Vụ doanh nghiệp “chật vật” xin hoàn thuế: Doanh nghiệp tiếp tục “kêu cứu”!

    Vụ doanh nghiệp “chật vật” xin hoàn thuế: Doanh nghiệp tiếp tục “kêu cứu”!

    15:47, 24/08/2020

  • Từ việc

    Từ việc "Công ty TNHH GFC Omega Việt Nam kêu cứu": Cần công khai các thủ tục hành chính

    11:01, 12/08/2020

GIA NGUYỄN - KHÔI NGUYÊN