Có nên tách "tách" Luật Giao thông đường bộ?
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/9, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Đây là dự án luật mới, được Chính phủ thống nhất "tách" ra trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định một trong những mục tiêu quan trọng của dự luật là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, cho biết dự luật này chưa được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do đó các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thảo luận xem đã đủ cơ sở, điều kiện trình Quốc hội bổ sung vào chương trình chưa? Hơn nữa, nên hay không "tách" Luật Giao thông đường bộ thành hai đạo luật?
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi là liệu các nước có giao cho cơ quan công an quản lý hay không. "Trung Quốc là Cục đường bộ, Singapore là cơ quan dân sự, Mỹ là chính quyền địa phương..., một số nước giao cho hiệp hội chứ không cứ phải lực lượng vũ trang, công an quản lý. Luật hiện hành của ta đang giao cho cả Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng", ông dẫn chứng.
Đồng thời, ông Lưu cũng nhấn mạnh rằng "không thể một luật này, hay Luật Giao thông đường bộ có thể làm tốt được đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vấn đề nhận thức, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông và quản lý giao thông chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông. Vấn đề là văn hóa giao thông, văn minh xã hội và xuất phát từ giáo dục từ gia đình đến xã hội".
Về phần mình, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ đặt câu hỏi, vì sao lại tách ra thành 2 luật? Trên thế giới có tách ra như vậy không? Cho rằng có những lĩnh vực tách ra và đi theo 2 hướng khác nhau thì tính thống nhất sau này rất khó, ông Phan Thanh Bình đề nghị nghiên cứu về việc tách ra cho dễ quản lý hay làm 1 Luật điều chỉnh chung tổng thể và Chính phủ điều phối cụ thể ngành, lĩnh vực.
Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thượng tướng Võ Trọng Việt, cho rằng "làm hai luật để tách bạch ra là thể hiện quyết tâm cao của bộ chủ quản, các quy định sẽ rõ ràng, chuyên sâu hơn và trách nhiệm cao hơn".
"Bây giờ vấn đề bức xúc là trật tự an toàn giao thông, mà Đảng ủy Công an trung ương hạ quyết tâm như vậy, tôi rất tin tưởng Bộ Công an" - ông Việt nói.
Đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng các công đoạn đào tạo, sát hạch thì hoàn toàn có thể xã hội hóa. Khâu cấp giấy phép thì phải quy định chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, nhưng "chuyển sang Bộ Công an quản lý có thể tác động thế nào thì cần đánh giá rõ".
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhìn chung Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 như đã nêu trong tờ trình.
Liên quan tới phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch QH cho biết, nội dung này liên quan tới Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến sau khi thảo luận dự án Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách thành 2 luật.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
05:06, 21/07/2020
Hai dự thảo luật về giao thông đường bộ đang chồng lên nhau?
05:00, 18/08/2020
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TUẦN TỪ 6-11/7: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nhiều chồng chéo, lắm bất cập
15:00, 12/07/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Phân loại bằng lái mới để... hội nhập quốc tế?
05:05, 08/07/2020