Tách Luật Giao thông đường bộ sẽ tạo cơ chế “xin - cho”

HUYỀN TRANG thực hiện 18/09/2020 00:30

TS Từ Sỹ Sùa, Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học GTVT khẳng định không nên tách Luật Giao thông đường bộ ra thành 2 luật bởi thêm luật là thêm dư địa cho cơ chế xin cho.

Ông Sùa cũng cho rằng trải qua hơn 12 năm thực thi, luật này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, gây hết sức lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.

-Xin ông hãy phân tích rõ hơn về điều này?

Sau gần 12 năm triển khai, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, trở thành “manh áo chật” cản trở sự phát triển của các loại hình kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như sự phát triển của đất nước.

Việc quản lý vận tải hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô dù đã có hiệu lực nhưng theo phán ánh của báo chí thì tình trạnh xe dù, bến cóc, xe trá hình vẫn không giảm bớt.

Trong khi đó khuôn khổ pháp lý với các phương tiện công nghệ mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, còn đối với phương tiện giao thông thông minh như xe không người lái… vẫn chưa có. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những bước tiến đáng kể, nếu tư duy chính sách của chúng ta không nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của xã hội thì việc quản lý các phương tiện giao thông thông minh là điều rất khó khăn.

Thêm vào đó, hoạt động vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…

-Nhiều quan điểm cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật sẽ giúp dễ dàng hơn cho công tác quản lý và hạn chế đường vấn đề này? Cá nhân ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Tôi cho rằng chúng ta không nên có thêm đạo luật nữa vì một lĩnh vực không mới thì không nên ban hành đạo luật mới. Với một đạo luật đã có như Luật Giao thông đường bộ thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung và không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức.

Về nguyên tắc chúng ta chỉ ban hành những luật mà trong xã hội có những vấn đề, những quan hệ xã hội mới mà chưa có quy định để điều chỉnh. Còn với những vấn đề đã cũ, không có gì mới thì không cần thiết phải xây dựng thành đạo luật riêng.

Ngoài ra, việc ban hành nhiều luật cũng sẽ tạo thêm dư địa cho tình trạng xin cho.

 Luật Giao thông đường bộ chỉ nên sửa đổi, bổ sung, không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. Ảnh: Quốc Tuấn

Luật Giao thông đường bộ chỉ nên sửa đổi, bổ sung, không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. Ảnh: Quốc Tuấn

Đáng nói, tiếng là dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhưng với 156 điều (dự thảo 1) hoặc 129 điều (dự thảo 2), tức đều nhiều hơn luật hiện hành gồm có 89 điều thì nên coi đó là Luật Giao thông đường bộ mới để thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008. Tôi cho xác định như thế sẽ phù hợp hơn.

Cùng với đó, hiện nay giữa Dự thảo Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo cũng có nhiều điểm đang mâu thuẫn và chồng lấn lên nhau. Tuy nhiên, để loại bỏ được sự trùng lặp rất khó tránh vì nếu không quy định những nội dung cần thiết thì mỗi luật đều có những thiếu sót. Do đó, tôi cho rằng thay vì có hai luật khác nhau liên quan đến giao thông đường bộ thì chỉ cần có một Luật Giao thông đường bộ mới.

-Hiện tại, Dự thảo đang được mang ra bàn thảo tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những quy định còn nhiều tranh cãi là việc Bộ GTVT đề nghị quy định có 17 hạng Giấy phép lái xe thay vì chỉ 12 hạng như hiện nay. Trong đó, sẽ có thêm bằng lái xe hạng A0 dành cho các đối tượng đi xe gắn máy như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có động cơ dưới 50cc. Ông nghĩ sao về điều này?

Khi đọc quy định này tôi thấy vô cùng rắc rối bởi quy định như vậy sẽ khiến người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước.

Sau khi cơ quan quản lý nhà nước thay đổi các loại bằng lái, người dân có thể phải đổi bằng gây lãng phí vì đến lúc nào đó Nhà nước cần có sự quản lý thống nhất. Ngoài ra, tâm lý người dân muốn đổi bằng mới hơn là sử dụng bằng cũ, nên sẽ phải bỏ thời gian và chi phí đi đổi.

Hơn nữa, tôi cũng không đồng tình với việc cấp bằng lái A0 cho xe dưới 50cc và xe điện, vì quy định này bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe, sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực.

-Vậy, ông có góp ý gì để dự thảo Luật này được hoàn thiện hơn?

Điểm nghẽn đầu tiên cần phải tháo bỏ trong việc xây dựng dự thảo Luật lần này là điểm nghẽn của tư duy. Đã đến lúc các nhà chính sách phải thừa nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng tại Việt Nam. Vậy nên thay vì tìm cách cấm đoán hoặc siết chặt thì chúng ta nên cởi trói cho các loại hình kinh tế nền tảng, để các phương thức này có thể phát triển mạnh ở Việt Nam.

Cùng với đó, việc học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các nước trên thế giới cũng cần được tiếp thu chọn lọc một cách phù hợp tránh tình trạng rập khuôn, máy móc.

- Xin cảm ơn ông!

Với một đạo luật đã có như Luật Giao thông đường bộ thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung và không nên ban hành thêm luật mới bởi nếu không sẽ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, phiền phức.

HUYỀN TRANG thực hiện