Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường “mập mờ” làm khó doanh nghiệp
Các quy định trong Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đang được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là gây lãng phí không cần thiết và làm khó doanh nghiệp.
Mới đây, Chính phủ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định trong Nghị định 40 do Bộ Tài nguyên - Môi trường soạn thảo, nhưng theo nhiều chuyên gia, nghị định hướng dẫn này còn nhiều bất cập.
Giải pháp tốn kém nhất nhưng ít thông minh nhất
Nghị định 40/2019/NĐ-CP (Nghị định 40) được Chính phủ ban hành ngày 13/5/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các chuyên gia đã chỉ ra không ít bất cập.
Bình luận về các quy định lần này, theo TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia về môi trường, mặc dù ở phần thông tin chung quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường có nêu “Có thể lựa chọn” song ở các khoản a), b), c) của nghị định này ghi rõ “Trường hợp… phải có…”.
“Quy định này mập mờ khiến cơ quan quản lý có thể lợi dụng để ép doanh nghiệp phải xây bể, hồ sự cố. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải làm theo quy định này, đặc biệt tốn kém. Hơn nữa, dù ghi là “có thể” song trong Nghị định 40 cũng chỉ nêu ra một giải pháp duy nhất là phải xây bể/hồ sự cố chứ không nhắc đến giải pháp nào khác”, ông Tùng nói.
Đại diện Tổng cục Môi trường cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp xây bể sự cố/hồ sự cố.
Đồng thời, ông Tùng cũng nhấn mạnh Luật Bảo vệ Môi trường không có điều nào quy định doanh nghiệp buộc phải xây dựng công trình phòng ngừa ứng phó sự cố.
“Trên thực tế, để phòng ngừa sự cố môi trường, người ta có thể dùng các biện pháp công trình và phi công trình, không nhất thiết phải dùng bể/hồ điều hòa hay hồ sinh học. Hiện nay, thế giới cũng như trong nước có nhiều phương án công nghệ phòng ngừa sự cố nước thải ngay trong từng công đoạn chứ không chờ đến đầu cuối như vậy. Bể sự cố hay hồ sự cố kết hợp hồ sinh học là giải pháp tốn kém nhất nhưng ít thông minh nhất”, ông Tùng nói.
“Các nước phát triển cũng không quy định như vậy”
Không dừng lại ở đó, khi bình luận về các quy định của Nghị định 40, TS Hoàng Dương Tùng cũng chỉ ra nhiều bất cập khác như quy định rất nhiều các đối tượng phải lắp thiết bị quan trắc tự động. Có rất nhiều đối tượng có lượng thải rất ít cũng phải lắp quan trắc tự động, trong khi thiết bị quan trắc tự động giá khá đắt. Một doanh nghiệp trang bị đủ thiết bị quan trắc cho một nhà máy có thể tốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
“Các nước phát triển cũng không qui định như vậy, vì quá gây tốn kém”, ông Tùng nhấn mạnh.
Trước những bất cập của Nghị định 40, nhiều hiệp hội, đại sứ quán các nước đã có kiến nghị lên Chính Phủ. Chiều 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác với các bộ, cơ quan về phương án xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới Nghị định 40.
Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại do nghị định 40, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định 40, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường…
Có thể bạn quan tâm
VCCI mong muốn KOTRA giúp sức để Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh đứng đầu khu vực
14:16, 18/09/2020
Hải Phòng bị phạt 5,7 tỷ đồng do vi phạm luật bảo vệ môi trường
20:09, 17/09/2020
“Thả cửa” cho trạm bê tông hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường?
04:50, 16/09/2020