"Đóng khung" lợi nhuận dự án PPP: Đếm sao vừa túi
Bộ Giao thông - Vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về khung lợi nhuận cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ.
Theo lập luận của Bộ Giao thông Vận tải, khung lợi nhuận thường được hiểu là bao gồm mức lợi nhuận tối đa và mức lợi nhuận tối thiểu.
Quy định trần đảm bảo lợi ích người dân
Việc quy định mức lợi nhuận tối thiểu đối với dự án đầu tư PPP nói chung và dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ nói riêng là không cần thiết vì doanh nghiệp chấp nhận mức lợi nhuận càng thấp thì càng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho nền kinh tế. Do đó, trên thực tế chỉ cần xác định mức lợi nhuận tối đa.
Trong dự thảo này, Bộ GTVT cho rằng, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không vượt quá 15,2%. Tỷ suất lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án chỉ định nhà đầu tư, do đã được ưu tiên không đấu thầu cạnh tranh nên tỷ suất lợi nhuận cần được xem xét một cách hợp lý, song phải đảm bảo mức chi phí vốn của nhà đầu tư. Do đó, tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư bằng với mức lãi suất vốn vay dự án. Dự kiến tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa không vượt quá 10,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận trên có thể thay đổi, cập nhật theo biến động của thị trường lãi suất vốn vay.
Theo tính toán của Bộ GTVT, việc xác định mức lợi nhuận tối đa được thực thiện theo phương pháp CAPM xác định tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư theo thị trường chứng khoán. Đây là phương pháp phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Dữ liệu đầu vào tại thời điểm tính toán là dữ liệu được niêm yết hoặc tính toán dựa trên số liệu niêm yết đến tháng 5/2020.
Kết quả tính toán được kiểm chứng bằng phương pháp chi phí vốn bình quân các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức PPP do Bộ GTVT làm chủ đầu tư giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.
Phương pháp tính này sẽ sát với thị trường hơn so với việc quản lý tỷ suất lợi nhuận dựa trên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi như trước đây.
Được biết, hiện nay hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông - Vận tải đều tập trung ở lĩnh vực đường bộ. Đối với 67 dự án PPP do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, tỷ suất lợi nhuận chủ yếu được xác định thông qua đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Lợi ích doanh nghiệp
Về cơ bản, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) là huy động nguồn vốn tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Từ đó đến nay, cả nước đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng, huy động được hơn 1.609 nghìn tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, phần lớn dự án PPP đường bộ, hay cụ thể hơn là BOT chỉ nở rộ trong hơn 10 năm trở lại đây, nhất là trong giai đoạn 2011 – 2016 khi Chính phủ mở ra cơ chế xin – cho trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Kèm theo đó, là những lỗ hổng trong quản lý tín dụng đối với vay vốn dự án PPP.
Những điều này kéo tỷ suất lợi nhuận của các dự án PPP trong giai đoạn này lên khá cao, từ 17 – 20%, gần gấp đôi so với giai đoạn trước đó.
Mức tỷ suất lợi nhuận cao này đã khiến các nhà đầu tư để lao vào thực hiện các dự án PPP đường bộ, bất chấp các rủi ro như thời gian thu hồi vốn dài, thường 20 - 25 năm, và rủi ro chưa lường trước được như biến động kinh tế - xã hội.
Đó là lý do tại sảo những dự án như Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dầu Giây - Phan Thiết, Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, các nhà đầu tư đều kỳ vọng và chỉ quan tâm đầu tư khi lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu tối thiểu đạt 15 - 17%.
Do đó, với việc đóng khung lợi nhuận dưới mức 15%, liệu rằng sẽ có nhà đầu tư nào đủ can đảm để bước vào dự án đầy rủi ro.
Quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư là đặt nhà nước và nhà đầu tư là quan hệ bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên. Thông tư mới đã nâng lợi ích của người dân lên, nhưng nó cũng tương đương với việc “đánh đố” doanh nghiệp tham gia dự án PPP.
Có thể bạn quan tâm
Lựa chọn xong nhà đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam trong tháng 12/2020
22:49, 15/09/2020
Chuyển dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sang hình thức PPP có vốn nhà nước hỗ trợ
18:13, 03/09/2020
Luật về PPP: Bước ngoặt lớn trong thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng
12:25, 10/07/2020