Lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề: Thêm thủ tục hành chính không cần thiết
Đề xuất người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục được mang ra lấy ý kiến. Một trong những quy định còn gây nhiều tranh cãi tại dự thảo lần này chính là đề xuất người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có giấy chứng nhận hành nghề.
Đi ngược chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính
Bình luận về quy định này, luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là quy định thừa và không cần thiết.
“Đây là quy định thừa và không cần thiết bởi trên thực tế, để có thể tham gia lưu thông trên đường, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải đã phải có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật”, luật sư Chương nói.
Không chỉ vậy, luật sư Chương còn nhấn mạnh rằng việc yêu cầu người lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có giấy chứng nhận hành nghề sẽ đi ngược lại với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng việc yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh giấy phép lái xe phải có giấy chứng nhận hành nghề là không cần thiết.
Theo ông Quyền, lâu nay quy định đối với lái xe kinh doanh định kỳ ba năm tập huấn để cập nhật các quy định mới, các tiến bộ khoa học công nghệ là phù hợp và đã đi vào cuộc sống.
“Hiện nay, việc phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải chỉ là tương đối. Việc quy định có thêm chứng chỉ hành nghề sẽ khiến công tác tuyển dụng lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ càng khó khăn hơn, vận tải công cộng khó phát triển hơn.
Trong khi đó, xét về sự cần thiết, việc lái xe kinh doanh vận tải hay không thì người lái xe đều phải nắm được cả về lý thuyết và có kỹ năng đạt yêu cầu về nghiệp vụ vận tải, kỹ năng lái xe an toàn. Nên quy định có thêm chứng chỉ là không cần thiết…”, ông Quyền nhấn mạnh.
Cần báo cáo tác động của việc cấp giấy chứng chỉ
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lại bày tỏ băn khoăn liệu việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải này đã có báo cáo đánh giá tác động hay chưa.
Bà Xuân cho rằng giao thông vận tải là ngành nghề đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người tham gia giao thông, hành khách mà còn ảnh hưởng tài sản của người dân.
“Do đó, tôi đề xuất tích hợp giấp phép lái xe và chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải là một bởi suy cho cùng thì việc tích hợp này không chỉ tránh lãng phí thời gian cho lái xe mà còn tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính”, bà nói.
Bên cạnh đó, bà Xuân cũng đề xuất có giải pháp để khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn.
Về phần mình, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết khi xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề phải kiểm soát người lái xe kinh doanh vận tải như thế nào, song qua thực tiễn nhận thấy việc đưa vào chương trình đào tạo hay để cho các doanh nghiệp tự tổ chức lớp tập huấn đều chưa thực sự hiệu quả.
“Do đó, từ tập huấn, đào tạo chuyển sang chứng chỉ hành nghề là để nâng tầm lên, có sự quản lý của nhà nước, chứ không phải tự mỗi doanh nghiệp quyết định việc này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lý giải.
Có thể bạn quan tâm
Tách Luật Giao thông đường bộ sẽ tạo cơ chế “xin - cho”
00:30, 18/09/2020
Có nên tách "tách" Luật Giao thông đường bộ?
15:05, 16/09/2020
Lo ngại chồng lấn trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
05:06, 21/07/2020