Đưa tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trước 30/11

ĐỖ HUYỀN 11/10/2020 18:49

Đây là một trong những nỗ lực đáng nghi nhận của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020. Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ phấn đấu hoàn thành mục tiêu tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/11/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Giải quyết thủ tục bằng công nghệ

Đối với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ;

Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020; hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh trong tháng 10 năm 2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia;

Triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020;

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu.

Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan đẩy nhanh thực hiện khai báo, kiểm thử việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/11/2020.

Cần cuộc cách mạng về chuyển đổi số

Với dịch vụ công mức độ 1, người dân có thể tải về các mẫu thủ tục sau đó điền thông tin trực tiếp mang đi nộp. Mức độ 2, người dân có thể nộp trực tiếp một phần yêu cầu của hồ sơ qua mạng và đến cơ quan nhà nước giải quyết phần việc còn lại. Với mức độ 3-4, người dân hoàn toàn có thể giải quyết trên mạng mọi thao tác. Nhiều sở, ngành của tỉnh hiện nay đã có tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng đạt khá cao như Sở Ngoại vụ, Sở TT-TT, Sở KH-CN.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công.

Người dân và doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3-4 với những dịch vụ đã được công bố trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Sau khi hồ sơ được xử lý xong, các sở, ngành sẽ liên hệ với dịch vụ bưu chính công ích chuyển thẳng đến nhà người dân miễn phí.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, các dịch vụ công trực tuyến hiện nay tiếp cận dễ nhưng để sử dụng thì lại khó, vì nhiều thao tác vẫn còn phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Chẳng hạn, thay vì điền thông tin trực tiếp lên hệ thống thì phải tải và in mẫu tờ khai về ngồi điền thông tin và chụp lại sau đó lại phải tải ngược lên hệ thống. Với những người không có máy in thì không thể thực hiện được, hoặc muốn thực hiện buộc phải sao chép văn bản vào bộ nhớ USB đi ra ngoài in dịch vụ.

Hay khi tải lên hệ thống các giấy tờ gốc, người dân bắt buộc phải đi công chứng tại phường, xã, còn khi đi giải quyết trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, người dân chỉ phải trình văn bản gốc để cán bộ xác thực rồi được trả lại, không tốn thời gian, chi phí photo, công chứng. Nếu giải quyết được những vướng mắc này sẽ có nhiều người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến dễ dàng hơn.

Để giải quyết những khó khăn này, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Viễn thông Đồng Nai Huỳnh Bảo Quốc cho rằng: “Muốn ngày càng có nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì cần phải có một cuộc “cách mạng” về chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách hành chính, cụ thể hơn là cải cách các thủ tục hành chính. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, người dân phải cầm một xấp hồ sơ đến cơ quan nhà nước chờ đợi đến lượt giải quyết thủ tục sẽ rất lãng phí thời gian”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An cử 52 người đi học kinh nghiệm trung tâm phục vụ hành chính công

    16:08, 25/09/2020

  • Nghệ An cử 34 nhân sự đến làm việc tại trung tâm hành chính công

    15:28, 25/08/2020

  • [TRỰC TIẾP] Công bố Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2019

    10:41, 28/04/2020

ĐỖ HUYỀN