Hàng loạt dự án bãi đỗ xe ngầm “đắp chiếu”: Thừa – thiếu ở đâu?
Trong khi nhu cầu thực tiễn về điểm đỗ xe là có thật khi lượng phương tiện tại Thủ đô ngày một gia tăng, thế nhưng, hàng loạt các dự án bãi xe ngầm vẫn nằm “đắp chiếu”, thừa – thiếu ở đâu?
Mới đây, văn phòng UBND TP.Hà Nội đã ban hành Văn bản 8615/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc dừng nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận nêu trên, do việc thực hiện đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm do công tác tổ chức lập và nghiên cứu lập đồ án có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Quay trở lại thực tế, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 3 dự án bãi đỗ xe ngầm được phê duyệt chủ trương cho phép triển khai thực hiện gồm:
Dự án bãi đỗ xe ngầm dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng - Quyết định chủ trương đầu tư số 6211/QĐ-UBND ngày 6/9/2017) có quy mô diện tích lên đến 6.138m2, diện tích bãi đỗ xe là 4.318m2, bao gồm bãi đỗ xe nổi và 3 tầng hầm.
Dự án đầu tư bãi đỗ xe ngầm tại Cung thể thao Quần Ngựa (quận Ba Đình - Quyết định chủ trương đầu tư số 2961/QĐ-UBND ngày 15/6/2018) cũng được giới thiệu là dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tiên đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá lên đến 2.700 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dư kiến 30 - 35 năm với công suất 2.500 ôtô và khoảng 5.000 xe máy, sâu 5 tầng.
Đặc biệt, dự án “Bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ” (Quyết định chủ trương đầu tư số 713/QĐ-UBND ngày 12/2/2019) có tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 350 tỉ đồng (chiếm 20%) còn lại là vốn vay (trên 1.428 tỉ đồng, chiếm 80%), dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2020, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Dự án được quy hoạch, diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm là hơn 16.000m2, khu vực dịch vụ phụ trợ, kết nối không gian ngầm rộng hơn 600m2, tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000m2 bao gồm 5 tầng hầm và một tầng kỹ thuật. Thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đối với diện tích bãi đỗ xe ngầm cho Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Him LamBC, khi xây dựng xong, Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội được sử dụng chung diện tích đất trên bề mặt cùng với Công ty cổ phần đầu tư Him LamBC.
Đồ sộ là vậy, thế nhưng, sau phê duyệt, các dự án kể trên vẫn nằm “bất động”, tại một số dự án được phê duyệt, phần diện tích đất vẫn đang tồn tại hiện trạng sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách, trong khi nhu cầu thực tế về không gian bãi đỗ xe tại Hà Nội là vô cùng bức thiết, nhất là khi lượng phương tiện ngày một gia tăng, liệu chăng, nhu cầu thực tiễn thì thiếu còn quy hoạch “treo” lại thừa? Nguyên nhân thực sự ở đây là gì?
Theo nhiều chuyên gia, chúng ta nên tìm ra các giải pháp để hiện thực hóa các bãi xe ngầm, chú trọng vào ứng dụng khoa học kĩ thuật công nghệ cao để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, chỉ khi khai thác không gian ngầm thì mới giải quyết được bài toán giao thông tĩnh, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường chứ không phải cứ phê duyệt xong rồi để đấy.
Thông tin với báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới và phù hợp với điều kiện hiện nay của Thành phố Hà Nội, tuy nhiên, để các dự án bãi đỗ xe ngầm hoạt động hiệu quả, cần đảm bảo các yếu tố như nguồn lực kinh phí, điều kiện địa chất thủy văn và việc kết nối không gian ngầm với không gian xung quanh.
Cũng theo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, TP. Hà Nội hiện chịu áp lực rất lớn về vấn đề giao thông, hệ thống hạ tầng giao thông kỹ thuật hiện nay còn nhiều yếu kém, đặc biệt thiếu trầm trọng điểm đỗ, bãi đỗ xe. Diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 10% diện tích đất tự nhiên, trong khi, tại các đô thị lớn, tiêu chuẩn phải đạt từ 20 - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông; diện tích dành cho bãi đỗ xe thông thường là 3% nhưng thực tế ở Hà Nội mới chỉ có khoảng 0,3%.
KTS.Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Thành phố Hà Nội cũng cho rằng, một dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm khi lựa chọn vị trí phải là nơi thuận tiện ra vào, không xung đột giao thông và có khả năng kết nối với các công trình ngầm hiện có của các tòa nhà xung quanh.
“Trong khi vị trí ở giữa công viên không giúp cải thiện lưu thông đường phố, thậm chí còn có thể gây ách tắc, hơn nữa, dự án sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân khu vực thì không nên, nhất là quanh khu vực dự kiến đặt làm bãi đỗ xe có mật độ dân số rất lớn và quanh đó đã có nhiều bãi đỗ xe, vậy lý do gì phải thêm khói bụi của một bãi đỗ xe trong công viên?”, KTS.Trần Huy Ánh nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
“Xẻ thịt” công viên vẫn ngang nhiên tồn tại: Trách nhiệm thuộc về ai?
11:20, 04/09/2020
TP Hà Nội: “Xẻ thịt” công viên... vẫn ngang nhiên tồn tại
04:30, 23/08/2020
TP. Đà Lạt: Doanh nghiệp khai khoáng tùy tiện “xẻ thịt” đồi rừng phòng hộ!?
10:58, 21/07/2020
Gia Lai: "Xẻ thịt" công viên xây nhà hàng trái phép
15:10, 23/04/2019