Mở đường cho tích tụ ruộng đất
Chính phủ đang xem xét để sớm ban hành nghị định quy định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Động thái này được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp tháo gỡ những bất cập trong tích tụ ruộng đất ở thời điểm hiện tại.
Chính phủ đang xem xét để sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Nghị định quy định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai để tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Còn nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất
Mục tiêu của chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường. Bởi vì, chắc chắn không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Nếu không tích tụ đất thì giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn rất thấp, với mô hình sản xuất cá thể.
Thực tế tại các địa phương, các hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất cũng khá đa dạng, từ hình thức đơn giản nhất là tập trung ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa cho liền vùng liền thửa, cho tới tích tụ thông qua hình thức thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bình luận về quá trình này, ThS Nguyễn Hữu Trí – Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Luật trường Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM cho biết hiện đang có sự bất hợp lý ở lĩnh vực nông nghiệp, nếu có ưu đãi thì lại tập trung ưu đãi cho hộ nông dân đang làm ruộng nhiều hơn là cho doanh nghiệp muốn dấn thân vào.
“Như vậy, sau nhiều năm chính sách vẫn bị chệch hướng khỏi nông nghiệp khiến cho doanh nghiệp lảng tránh khỏi lĩnh vực này, không coi nó là trọng tâm. Dần dà hình thành một nghịch lý, đất nước làm nông nhưng không có nhiều những doanh nghiệp lớn làm nông một cách chuyên nghiệp như các nước Israel. Còn người nông dân không dễ dàng bỏ ruộng của mình được, mặc dù biết nếu cứ giữ mãi như lâu nay thì họ sẽ không thể thoát nghèo”, ông Trí nhấn mạnh.
Về phần mình chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng để thay đổi mô hình sản xuất có thể tiến hành nhiều cách. Hình thức mua quyền sử dụng đất có ưu điểm là người tích tụ có quyền sử dụng lâu dài, mang tính vĩnh viễn, đất được xem là của họ nên họ yên tâm đầu tư. Nhưng cách này có nhược điểm là cần vốn rất lớn và về mặt xã hội, một bộ phận nông dân sẽ mất đất. Chính vì vậy mà phải đặt ra vấn đề hạn điền.
Gỡ vướng chính sách
Nắm được tình hình trên, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Nghị định quy định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để gỡ vướng thể chế, thúc đẩy hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Về hướng sửa đổi, thứ nhất là hoàn thiện các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tháo gỡ vướng mắc trong xác định các công trình dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; cho phép điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình, nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được cập nhật vào năm sau để đảm bảo sự linh hoạt trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phù hợp với thu hút đầu tư.
Có quy định xử lý đối với trường hợp đến hết kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; xử lý đối với trường hợp dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư để đảm bảo thống nhất với pháp luật về đầu tư.
Thứ hai, giải quyết vướng mắc trong việc xác định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (bao gồm miễn một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian sử dụng đất) đối với các lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ ba, việc xác định các dự án, công trình phải áp dụng điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai; quy định về giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý cho người sử dụng đất liền kề để khai thác hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang lãng phí; quy định xử lý thu hồi đất đối với trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng nhà đầu tư không có quyền chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Thứ tư là hoàn thiện quy định về thoả thuận mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh theo hướng: Bỏ quy định về UBND cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước khi nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất để thực hiện các quyền để cải cách thủ tục hành chính...
Thứ năm là hoàn thiện một số nội dung liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận như: bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với trường hợp được cấp giấy phép tạm xây dựng để bảo đảm quyền lợi cho người dân; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận trong các dự án phát triển nhà ở theo hướng đơn giản giấy tờ, hồ sơ thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư; hoàn thiện quy định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai; bổ sung quy định về việc giao UBND cấp tỉnh quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.
Thứ sáu là hoàn thiện cơ chế, nhất là các cơ chế tài chính cho hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai để nâng cao chất lượng dịch vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy là giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận, rút ngắn thời gian giải quyết, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ tám là quy định cụ thể về các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; trình tự thực hiện; trách nhiệm của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất trong tập trung, tích tụ đất đai; các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và thí điểm tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp - Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo Quốc hội.
Đây được xem là những giải pháp chính sách quan trọng giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình tích tụ ruộng đất.
Có thể bạn quan tâm
Tự do hay công bằng cho tích tụ ruộng đất?
04:06, 24/01/2020
Tích tụ ruộng đất còn nhiều rủi ro
10:40, 04/12/2019
Dự thảo Nghị định về tích tụ ruộng đất: “Đánh đố” doanh nghiệp
04:50, 28/11/2019
Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất
09:20, 25/11/2019