Vì sao hàng Việt là tâm điểm của các vụ kiện phòng vệ thương mại?
Liên tiếp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam dính kiện phòng vệ thương mại. Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là con số đáng báo động bởi các vụ kiện về phòng vệ thương mại sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Số vụ phòng vệ liên tục gia tăng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, chỉ 9 tháng của năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 32 vụ việc phòng vệ thương mại, tăng gấp đôi so với cả năm 2019. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã ghi nhận gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.
Phòng vệ thương mại đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, các công cụ về phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới với các doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí “thờ ơ” về các công cụ và biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng, thì các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cả về số lượng và quy mô.
Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như nhôm, thép, sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất,... Ngoài các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại.
Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, các vụ kiện về phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng nhanh về số lượng vụ kiện, giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm cũng là vấn đề đáng quan tâm trong các cuộc điều tra cũng có xu hướng tăng cao.
Việt Nam phải xử lý triệt để tình trạng “đội lốt”
Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi quyết định dịch chuyển sản xuất lúc hiệu lực của các hiệp định thương mại thế hệ mới bước vào giai đoạn thực thi. Trong đó, EVFTA hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là ví dụ.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu tăng nhanh đã khiến Việt Nam dễ bị theo dõi, bổ sung điều tra, các sản phẩm bị kiện ngày càng mở rộng ở nhiều ngành hàng. Và mục tiêu khởi kiện từ các nước dần được ngầm hiểu như một cách "dằn mặt" gián tiếp với các quốc gia đã bị áp thuế cao trước đó, hoặc đơn giản hơn là tăng bảo hộ sản xuất, giữ việc làm ở nước mình.
Bình luận vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng ngoài yếu tố thỏa mãn tiêu chuẩn, yêu cầu của nước bạn, hàng hóa Việt Nam phải xử lý triệt để được vấn đề bị "đội lốt" trong quá trình xuất khẩu.
Nhiều thị trường lớn, như thị trường Châu Âu, hay EU đang nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị đội lốt của bên thứ ba, nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đã được ký kết cho Việt Nam.
Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra cảnh báo về vấn nạn hàng đội lốt. Cạnh đó, lực lượng chức năng có nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát để hàng hóa của nước ta mang đúng nghĩa “Made in Vietnam”, tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp liên doanh, liên kết hoặc vì lợi ích cá nhân mà chấp thuận cho hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu.
“Hậu quả của việc này vô cùng lớn, không chỉ thiệt hại về tiền bạc, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự quốc gia”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cho hay, một trong những yếu tố dẫn đến sự nghi ngờ của thị trường đối tác đối với hàng hóa Việt Nam là nền kinh tế nước ta chủ yếu là gia công, hoàn thiện và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt là nhóm hàng hóa thường xuyên bị đối tác kiểm tra trước đó như thép, gỗ, vật liệu xây dựng.
Trong đó, thị trường nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, cá biệt có những ngành sản xuất đều nhập khẩu từ quốc gia này, cho dù Chính phủ đã có những phương án để hạn chế nhẩu khẩu và mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu trong nước. Dẫu vậy, đây là định hướng về đường dài, khó có thể tạo ra nguyên liệu trong thời gian ngắn được...
“Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với câu chuyện tổn thất do liên quan đến phòng vệ thương mại nếu không có chế tài mạnh, đủ sức răn đe dành cho trường hợp bất chấp vì lợi ích, lợi nhuận mà làm tổn hại đến danh dự quốc gia. Đơn cử như việc lực lượng hải quan trong quá trình kiểm tra đã nhiều lần phát hiện ra các container chở hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng dán sẵn mác 'Made in Vietnam' để đưa đi xuất khẩu nước ngoài”, ông Thịnh nói.
Có thể bạn quan tâm
HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Doanh nghiệp không thể đơn độc
11:50, 05/07/2020
HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Đối mặt với xu hướng gia tăng
11:05, 05/07/2020
Có thể bạn quan tâm
HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Doanh nghiệp không thể đơn độc
11:50, 05/07/2020
HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Đối mặt với xu hướng gia tăng
11:05, 05/07/2020