Công nghiệp hỗ trợ cần lực đẩy chính sách

ĐỖ HUYỀN 19/10/2020 04:50

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một lực đẩy chính sách phù hợp sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhanh chóng phát triển.

Những năm gần đây, Chính phủ cũng như các địa phương dành nhiều ưu đãi cũng như có những chính sách riêng để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm đưa nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy doanh nghiệp trong ngành này vẫn còn yếu và thiếu năng lực để cạnh tranh.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn là ngành chậm phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn là ngành chậm phát triển.

Quy mô và năng lực của doanh nghiệp hỗ trợ còn hạn chế

Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Với tỷ lệ quả nhỏ trong toàn ngành công nghiệp nên năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này còn rất thấp; thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu lại là các doanh nghiệp tư nhân nên khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Những điều này đã khiến nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật, trong các chuỗi cung ứng lớn quy mô toàn cầu.

Nhìn lại các chính sách của công nghiệp hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực thực thi chính sách rất đầy đủ, nhưng chính sách lại chồng chéo, dẫn đến triển khai rất khó. Vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp không mặn mà với chính sách, bởi chi phí để họ tiếp cận chính sách còn nhiều hơn cả lợi ích được hưởng. 

Các DN công nghiệp hỗ trợ Việt cần rất nỗ lực để tăng năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt cần rất nỗ lực để tăng năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Liên quan tới vấn đề tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tiến bộ khá nhiều. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ về tài chính hầu như khá khó khăn.

Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự "chiến đấu", bà Bình chỉ rõ.

Nhiều chính sách quan trọng sẽ được sửa đổi

Trước những khó khăn của ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tăng cường tính tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, hạn chế tác động của đứt gãy nguồn cung. Hiện Bộ vẫn đang hoàn thiện và trình Chính phủ nhiều chính sách giúp thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 68 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 (theo hướng kéo dài thời gian đến năm 2030); Chiến lược xây dựng ngành dệt may và da giày. Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ 2 văn bản này trong năm nay”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, ngoài các chiến lược và chương trình phát triển, hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp; dự kiến Nghị quyết này sẽ được ban hành trong năm 2020.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến ban hành trong năm 2020. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết 124 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhằm tìm kiếm thị trường, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số chính sách về thuế phí như giảm 50% thuế trước bạ, lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt,… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn”, ông Thành nhấn mạnh các giải pháp trước mắt.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, những chính sách này được kỳ vọng sẽ phần nào gỡ khó cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp cho ngành này nhanh chóng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng giá trị từ ngành công nghiệp hỗ trợ

    04:00, 11/10/2020

  • Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

    12:00, 10/08/2020

  • “MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Chuyển dịch đầu tư là chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ

    15:00, 26/07/2020

ĐỖ HUYỀN