Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhiều quy định còn nằm trên giấy

Ls KIỀU ANH VŨ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers 05/11/2020 11:05

Khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đã có đầy đủ nhưng nhiều quy định vẫn còn nằm trên giấy, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự cảm nhận được sự hỗ trợ.

 Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Da - Giày - Túi xách giảm tới 50% đơn hàng do tác động của COVID-19 nhưng hiện nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. Ảnh: V.Khuê

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Da - Giày - Túi xách giảm tới 50% đơn hàng do tác động của COVID-19 nhưng hiện nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. Ảnh: V.Khuê

Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật SMEs) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đánh dấu chính thức hình thành khung pháp lý cơ bản nhất để hỗ trợ cho SMEs.

Mặc dù, đã hình thành một khung pháp lý cơ bản về việc hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của SMEs và bước đầu một số chính sách cũng đã đạt được kết quả nhất định nhưng nhìn chung, việc triển khai, thực thi các quy định, các chính sách, hỗ trợ SMEs vẫn còn nhiều hạn chế.

Các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho các SMEs vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả. Nhiều chính sách hỗ trợ cho SMEs vẫn còn “trên luật”, chưa được cụ thể hóa, chưa đi vào đời sống, hoạt động kinh doanh của SMEs và SMEs chưa được hưởng lợi thật sự từ các chính sách hỗ trợ để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh từ khung pháp lý mà Nhà nước tạo ra. Xin nêu một số ví dụ:

- Về chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới ban hành Công văn số 6627/NHNN-TD về triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng dẫn tại Chỉ thị số Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, vẫn chưa có Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hướng dẫn về chính sách tín dụng cho SMEs như quy trình, thủ tục vay vốn, lãi suất vay vốn,…

- Khoản 1 Điều 10 Luật SMEs quy định SMEs được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay SMEs vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này mà vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chung cho tất cả các doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự, các chính sách về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đối với SMEs vẫn chưa được thực thi.

- Khoản 1 Điều 14 Luật SMEs quy định các thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ SMEs; thông tin chỉ dẫn kinh doanh; thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp; các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật được công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa hoàn chỉnh, thông tin vẫn còn nghèo nàn, ít được cập nhật.

- Khoản 2 Điều 14 Luật SMEs quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là mạng lưới tư vấn viên). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho SMEs thông qua mạng lưới tư vấn viên. Tuy nhiên, đến nay mạng lưới tư vấn viên vẫn chưa được hình thành và các SMEs vẫn chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về việc tư vấn như Luật SMEs quy định.

- Về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định tại Điều 18 Luật SMEs, Nghị định 38/2018/NĐ-CP, hiện vẫn chưa có địa phương nào triển khai được cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP.

Do vậy, để pháp luật đi vào đời sống, để SMEs thụ hưởng được các chính sách hỗ trợ tốt đẹp, ưu việt mà Luật SMEs đã đưa ra, cần sự triển khai khẩn trương, tích cực hơn nữa từ Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Cùng với đó, nhà nước cần phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý, thiếu minh bạch, thiếu khả thi đối với các quy định của pháp luật.

Sau 2 năm có hiệu lực, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi triển khai còn gặp nhiều rào cản, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Nguồn lực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế. Mặc dù luật đã quy định rõ nhưng nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ do quy định pháp lý chưa đầy đủ, hoặc là mới được ban hành.

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng còn thấp. Chi phí logistics cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường, cạnh tranh của sản phẩm. Chưa kể thủ tục hành chính rườm rà, chính sách ban hành chậm.

Ông Nguyễn Văn Thân,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Ls KIỀU ANH VŨ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers