Sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả: Cần phải xử lý nghiêm?
Việc làm giả giấy tờ, bằng cấp hiện nay vô cùng tinh vi, kéo theo đó là hàng loạt các hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến hoạt động đời sống xã hội, gây mất uy tín của các cơ quan Nhà nước…
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội liên tục dậy sóng khi hàng loạt các đường dây, sản xuất, làm giả giấy tờ, bằng cấp bị lực chức năng triệt phá, trong đó, từ những loại giấy tờ tùy thân như, thẻ căn cước, bằng lái xe,… cho đến các bằng cấp từ trung học đến đại học, bằng bác sĩ, dược sĩ,… cũng đều được sản xuất, rao bán công khai.
Vậy, mục đích của các đối tượng ở đây là gì? Người sản xuất dĩ nhiên vì đồng tiền mà vi phạm pháp luật, còn người mua sử dụng vào mục đích gì?
Chiều 09/11, trả lời chất vấn tại Quốc hội về tình trạng mua, bán giấy tờ, chứng chỉ giả và hoạt động này ở trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm chia sẻ:
Vừa qua, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm, đường dây sản xuất, làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả, quy mô rất lớn, tang vật thu giữ đến 1.500 các mẫu dấu, công cụ máy móc,...
Qua đấu tranh, những người này khai nhận có thể tự thực hiện được hầu hết tất cả các công đoạn của việc làm giấy tờ, chứng chỉ giả, từ chế tạo các phôi bằng cho đến chữ ký, con dấu,… các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học như: Đại học Y, Đại học Dược để hành nghề, bằng lái xe giả rồi các bằng tốt nghiệp để phục vụ cho đề bạt, tuyển dụng cán bộ,...
Theo Bộ trưởng Tô Lâm: "Những người này thường chia làm hai nhóm, một là làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo; hai là, để phục vụ cho tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, năng lực cán bộ... Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả này”.
Thực tế, những hệ lụy từ việc sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả cũng đã để lại không ít bài học khôn lường, đặc biệt là câu chuyện cán bộ “ngồi nhầm chỗ” gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua, như vụ việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Quảng Phú, tỉnh Thanh Hóa, khi cả Phó giám đốc và Thủ quỹ đều được xác định sử dụng bằng giả mà vẫn ngang nhiên đảm đương chức vụ.
Hay trường hợp của ông Thái Đình Hoài, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh Lai Châu, Bí thư Chi bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, sử dụng học bạ và bằng tốt nghiệp bổ túc trung học không hợp pháp để được tiếp nhận công dân tham gia nghĩa vụ, tuyển dụng vào Công an Nhân dân.
Ngoài việc chạy chức, chạy quyền các loại giấy tờ giả còn đem đến nhiều hệ lụy khác trong xã hội khi trở thành công cụ cho mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp của Lê Thị Quỳnh Trâm tại tỉnh Thừa – Thiên Huế, sử dụng các tài liệu chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận đăng ký xe giả,… để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các nạn nhân.
Với hành vi tương tự, bà H’Ngơm Bdap, trú xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, chỉ với 01 sổ đỏ được làm giả đã khiến một cá nhân cùng hai ngân hàng chi nhánh thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Thực trạng trên, không chỉ gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những thiệt hại nhãn tiền từ việc các đối tượng sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả làm công cụ mà còn cho thấy tính cấp thiết trong việc ngăn chặn hành vi sản xuất, làm giả giấy tờ, bằng cấp hiện nay.
Tại buổi chất vấn chiều 09/11, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề xuất: “Việc này trước đây, với một số người mà sử dụng giấy tờ giả hầu như nặng nhiều về xử lý hành chính, ít khi xử lý về hình sự, tuy nhiên, chúng tôi thấy đã đến mức phải xử lý hình sự”.
Ông lấy ví dụ, trường hợp sử dụng bằng lái xe giả, khi gây tai nạn sẽ bị xử về tội gây tai nạn nhưng trong trường hợp chưa gây tai nạn cũng có thể phải xử lý.
“Hoặc trong cán bộ, công chức cũng nặng nhiều về xử lý về hành chính nhưng đã làm đến giấy tờ giả thì cũng phải nghiên cứu, đề xuất có những biện pháp để xử lý về hình sự” - Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ IV): Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14
05:30, 07/11/2020
Hải Phòng: Kiên quyết xử lý hơn 100 công trình xây dựng trái phép trên diện tích 9,2ha
04:50, 07/11/2020
Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ III): Cấp bách sàn giao dịch nợ xấu
06:06, 06/11/2020
Nam Định: Tái diễn xử lý vi phạm kiểu “đánh trống bỏ dùi”?
04:50, 02/11/2020