Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!
Mặc dù là một trong những tỉnh chịu thiệt hại do mưa lũ gây sạt lở ảnh hưởng đến diện tích lúa, hoa màu,… thế nhưng, công tác bảo vệ Đê điều hiện nay tại Nam Định vẫn có dấu hiệu bị “bỏ quên”…
Mặc dù là một trong những tỉnh chịu thiệt hại do mưa lũ gây sạt lở ảnh hưởng đến diện tích lúa, hoa màu,… thế nhưng, công tác bảo vệ Đê điều hiện nay tại Nam Định vẫn có dấu hiệu bị “bỏ quên”…
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội đặc biệt quan ngại trước hiện trạng vi phạm pháp luật về Đê điều xảy ra tại tỉnh Nam Định, trong đó, không ít công trình “khủng” mặc nhiên sai phạm nhưng chính quyền và các cơ quan chuyên trách vẫn cố tình “ngó lơ”… Đáng nói, sau khi sai phạm bị phanh phui thì hình thức xử lý lại chỉ mang tính chất “tượng trưng”, thiếu quyết liệt,… Còn lãnh đạo các sở, ngành liên quan vô tư “đá bóng trách nhiệm”, ai xử lý - xử lý ai bây giờ?
Nhắc đến vi phạm hành lang bảo vệ Đê điều, lấn chiếm dòng chảy tại tỉnh Nam Định, phải nhắc tới vi phạm tại công trình khủng “khu sinh thái Lưu Gia Trang” tại phường Năng Tĩnh, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định của Công ty TNHH Trường Thoa.
Tọa lạc tại số 45, tổ 30, đường Trần Nhân Tông, phường Năng Tĩnh, nơi đây được mệnh danh là “thiên đường check in” của tỉnh Nam Định, với không gian độc - lạ, mặt tiền “ngang nhiên” chiếm dụng hành lang bảo vệ đê điều, mặt hậu “hiên ngang” lấn vào hành lang thoát lũ của con sông Đào với lượng thu hút hàng trăm khách ra vào mỗi ngày với nhiều dịch vụ như café, ăn uống, vui chơi,… thế nhưng, cơ quan cấp phép, quản lý xây dựng lại không hay biết công trình vi phạm cho tới lúc báo chí phản ánh và phải thực hiện thanh tra liên ngành.
Vậy cấp phép xong, sở Xây dựng tỉnh Nam Định “thả nổi” cho công trình, không cần giám sát, kiểm tra? Chính quyền địa phương cũng mặc nhiên “buông lỏng quản lý”?
Xin được nhắc lại, tại khu vực giáp sông Đào năm 2017 đã phải chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 2, số 4, số 10) kết hợp với mưa lớn, hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ... gây sạt lở, nhiều diện tích lúa, hoa màu và nuôi thủy sản bị mất trắng, ảnh hưởng nặng nề cho người dân địa phương, tổng thiệt hại ước tính 15 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, cũng liên quan đến hoạt động quản lý tại địa phương này, thời gian vừa qua dư luận xã hội tại huyện Trực Ninh cũng tỏ ra vô cùng quan ngại trước những ảnh hưởng do Công ty Cổ phần đóng tàu Đức Việt - Công ty TNHH nhựa Trực Ninh tại khu vực bãi Sông Ninh Cơ, xã Việt Hùng (tương ứng từ K8+825 – K9+100) ngang nhiên xây dựng trái phép 2 nhà xưởng với diện tích 3.360m2 gây cản trở hàng lang thoát lũ, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đê điều, đe dọa môi trường sống của người dân địa phương.
Đây không phải là hiện trạng vi phạm đầu tiên trên địa bàn, trước đó, liên quan đến nhà máy vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, sản xuất gây ô nhiễm cũng đã từng xảy ra tại Công ty than Nam Vang thuộc xóm 9, xã Việt Hùng, trên phần diện tích thuê lại của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Tiến, mặc dù là vi phạm gây bức xúc nhưng nhiều năm liền với các văn bản mang tính chất “hình thức” thì hiện trạng mới được xử lý.
Bão lũ đang diễn biến ngày một phức tạp, gây ra những hậu quả khôn lường, thế nhưng, trước thực trạng thờ ơ của tỉnh Nam Định hiện nay khiến dư luận vô cùng quan ngại, đặc biệt, sai phạm kéo dài nhưng xử lý lại như “gắp cóc bỏ đĩa” trong khi, đây lại chính là một trong những tỉnh, thành từng phải hứng chịu hậu quả cho sạt lở, vỡ đê gây ra. Phải chăng những bài học nhãn tiền đã có, chưa trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với lãnh đạo địa phương này?
Mới đây, sau cơn bão số 7 kết hợp triều cường diễn biến phức tạp gây sóng to, gió lớn, tại nhiều vị trí trên bờ kè biển tại Khu du lịch Thịnh Long ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã gây ra những điểm sạt lở, đe dọa đến an toàn trên địa bàn.
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Liệu chăng, với hàng loạt “nguy cơ” đang tồn tại, địa phương này lại chẳng bận tâm?
Trước đó, liên quan đến công tác đảm bảo an toàn hành lang đê biển, dư luận xã hội cũng vô cùng bức xúc trước thực trạng nhiều tuyến đê bao biển trên địa bàn huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định liên tục bị “xẻ thịt”, vi phạm hành lang bảo, chặt phá rừng cây phòng hộ chắn sóng,… để làm đầm nuôi ngao. Đây là một thực trạng gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài nhưng công tác quản lý tại các địa phương vẫn tỏ ra “buông lỏng”.
Thiên tai, bão lũ diễn biến ngày một phức tạp, bất cứ lúc nào “nguy cơ” cũng có thể biến thành thiệt hại, vậy những tồn tại trên địa bàn tỉnh Nam Định đến bao giờ mới được chính quyền quan tâm và quyết liệt xử lý?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Nam Định: Đến bao giờ các công trình vi phạm mới… hoàn nguyên?
04:50, 06/11/2020
Trực Ninh (Nam Định): Ai “chống lưng” để Công ty Đức Việt “hủy hoại” môi trường?
04:20, 04/11/2020
Nam Định: Tái diễn xử lý vi phạm kiểu “đánh trống bỏ dùi”?
04:50, 02/11/2020
Vụ công trình “khủng” mọc trên hành lang thoát lũ tại Nam Định: Cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm
04:30, 29/10/2020