Đại biểu Quốc hội xin lùi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sang Quốc hội khóa 15
Nhiều đại biểu chưa đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật và đã có ý kiến đề nghị lùi Dự thảo Luật quan trọng này sang kỳ họp tiếp theo.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập, nhất là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB cũng không chỉ ra những bất cập mà cần có sửa đổi bổ sung hoặc chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch.
“Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là dự án Luật GTĐB sửa đổi, nay tách thành 2 dự án luật. Việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Như vậy tên Luật GTĐB sửa đổi còn nguyên nghĩa không?”, đại biểu Dung nhấn mạnh và cho rằng, nên để dự án luật này trình Quốc hội khoá 15. Đề xuất này của đại biểu nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.
Tương tự, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật.
“Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo”- ĐB Sơn bày tỏ. Ông Sơn cho rằng phải làm rõ lí do tách luật và những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho hay theo điểm b khoản 1 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc bổ sung vào chương trình pháp luật thì do UBTVQH quyết định, nhưng phải thoả mãn 3 điều kiện.
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đảm bảo tính mạng tài sản của người dân; thứ hai đảm bảo tính thống nhất phát luật; thứ ba là đảm bảo điều điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
“Chiếu theo quy định của điều trên, thì tách hai luật này không thoả mãn điều kiện vừa nêu”, ông nhấn mạnh.
ĐB Giang cũng cho hay, theo khoản 2 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì UBTVQH phải báo cáo với QH tại kỳ họp gần về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật.
“Tuy nhiên trong giấy triệu tập kỳ họp 10 thì chưa có bất kỳ thông tin nào mang ý nghĩa báo cáo Quốc hội về việc này. Vì vậy tôi đề nghị UBTVQH báo cáo việc này ra Quốc hội xem xét theo đúng thẩm quyền.
Đồng thời, tôi đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh giải trình rõ vì sao không tham mưu cho UBTVQH về vấn đề này” - ĐB Giang nói.
Có thể bạn quan tâm
Tách Luật Giao thông đường bộ: Nhiều đại biểu không tán thành…
12:30, 16/11/2020
Tách Luật Giao thông đường bộ: Vẫn còn nhiều quan ngại…
04:30, 14/11/2020
Quốc hội tranh cãi nảy lửa có nên tách Luật Giao thông đường bộ?
16:07, 11/11/2020