Chuyên gia mách nước tránh phát sinh tranh chấp cho các thương vụ M&A

ĐỖ HUYỀN 19/11/2020 15:57

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan này đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, trong đó có những tranh chấp có yếu tố về M&A.

Phát biểu tại Hội thảo “Sự thay đổi khung pháp lý và tác động với giao dịch M&A tại Việt Nam”, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC nhận định, hoạt động M&A không chỉ thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế mà còn là phương thức giúp cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Hội thảo

Hội thảo "Sự thay đổi khung pháp lý và tác động với giao dịch M&A tại Việt Nam" diễn ra ngày 19/11 thu hút đông đảo thành phần tham dự.

Theo dữ liệu CMAC tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901.7 tỷ USD, số lượng thương vụ là 6.943 thương vụ. Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7.2.

Mặc dù, số liệu có phần giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng Việt Nam vẫn được xem là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, nhất là khi Việt Nam là một trong số ít các nước khống chế thành công dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ hoạt động nào khác, M&A là hoạt động phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực, bởi vậy việc làm sao để thành công khi thực hiện thương vụ M&A trở thành một bài toán khó, một thách thức lớn cho doanh nghiệp.

ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC.

Đứng trước thử thách này, bên cạnh tìm hiểu và xây dựng một nền tảng vững chắc về các bước thực hiện giao dịch, doanh nghiệp cần phải chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề pháp lý để có thể nâng cao ưu thế của mình trên bàn giao dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, trong đó có những tranh chấp có yếu tố về M&A. Qua những tranh chấp này, có thể thấy, để thị trường M&A phát triển đúng hướng, không chỉ phải cân nhắc về đối tác, các giai đoạn trong quá trình thực hiện M&A, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng và xem xét kỹ hơn các vấn đề pháp lý.

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 15.6 tỷ Dollar Mỹ, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018.

Hai ngành có hoạt động M&A mạnh mẽ nhất năm 2019 là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các ngành chủ chốt khác bao gồm tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics và giáo dục. Ước tính con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Ông Justin cho rằng yếu tố pháp lý nhất thiết phải được chú trọng bởi đây là yếu tố quyết định cho sự thuận lợi của giao dịch M&A, nhất là đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Các nhà đầu tư EU đánh giá cao thị trường Việt Nam và rất mong muốn có thể được hưởng những chế độ phù hợp, thuận lợi dưới khung pháp lý mà chính quyền Việt Nam đưa ra nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động M&A.

Thông qua các đề xuất của Eurocham, ông Justin kỳ vọng nhà đầu tư EU có thể tiếp cận gần hơn với thị trường Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động M&A trong tương lai.

Ông Trần Thanh Tùng - Luật sư thành viên Công ty Luật GV Lawyers đã có phần trao đổi về những điểm mới trong quy định pháp luật về giao dịch M&A tại Việt Nam. Trong phần chia sẻ của mình, diễn giả đã nêu lên những vấn đề tổng quan về khung pháp lý M&A cùng với đó là phân tích những thay đổi quan trọng, tác động trực tiếp đến giao dịch mà các doanh nghiệp thực hiện.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Ông Tùng nhận định, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành và có hiệu lực trong thời gian tới đã đưa ra nhiều quy định mới, trong đó có các quy định liên quan đến M&A. Những điểm mới nổi bật của khung pháp lý có thể đề cập đến đó là điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, sự tăng cường các biện pháp bảo vệ cho nhà đầu tư, các nội dung liên quan đến đăng ký mua cổ phần, vốn góp của NĐT nước ngoài…Những thay đổi này góp phần giúp hoạt động M&A có thể hoạt động an toàn hơn, Nhà nước cũng xây dựng được cơ chế quản lý tốt hơn, không chỉ vậy, sự thay đổi này cũng giúp việc đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi hóa, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cụ thể hơn phần trình bày của ông Trần Thanh Tùng, bà Ngô Thị Vân Quỳnh - Luật sư điều hành Công ty Luật An Legal tiến hành phân tích các thực tiễn và những vướng mắc của giao dịch M&A ở một trong những ngành có lượng thương vụ cao nhất: bất động sản.

Năm 2019 là năm chúng ta chứng kiến nhiều thương vụ lớn với sự đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn thương vụ bán 1.3 tỷ USD cổ phần của Vingroup cho GIC, SCIC thoái 57.7% vốn tại Vinaconex cho An Quý Hưng, Sơn Kim Land cũng thực hiện một thương vụ M&A 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investment và Credit Suise. Có thể nói, năm 2020, đặc biệt, dưới tác động của Covid-19, thị trường bất động sản đã sôi động hơn một cách đáng kể, điều này khiến doanh nghiệp lại càng quan tâm hơn đến khung pháp lý điều chỉnh M&A trong lĩnh vực này.

LS Vân Quỳnh đã liệt kê một số cách thức M&A phổ biến trên thị trường và đưa ra những chú thích về việc cách thức này nên hay không nên được các đối tượng áp dụng, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bà Quỳnh đánh giá, với những quy định mới mà LS Trần Thanh Tùng đã phân tích ở trên, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và được tạo thuận lợi nhiều hơn trong hoạt động M&A, hơn hết, với những quy định có lợi cho Nhà đầu tư nước ngoài, việc dùng M&A để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn là không khó.

Tiếp đó, bà Đinh Thị Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng Luật IDVN, Trọng tài viên VIAC đã có những chia sẻ liên quan đến việc thông báo về tập trung kinh tế. Diễn giả nhận định doanh nghiệp Việt Nam khi tập trung kinh tế phải tiến hành thông báo theo đúng quy định. Việc tập trung kinh tế sẽ bị cấm nếu các hành vi này ảnh hưởng hoặc có khả năng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Nếu như Luật Cạnh tranh 2004 đặt ra tiêu chí để xác định doanh nghiệp thuộc diện phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế chỉ duy nhất dựa trên thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế, thì Nghị định 35/2020/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều tiêu chí mới về “tổng tài sản”, “tổng doanh thu bán ra”, “tổng doanh số mua vào”, “giá trị giao dịch”.

Là hai trong số các hình thức tập trung kinh tế, việc thông báo tập trung kinh tế trong mua bán sáp nhập là yếu tố doanh nghiệp cần xem xét và thực hiện đúng theo quy định để tránh gây cản trở đối với tiến trình thực hiện giao dịch M&A.

Ông Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư thành viên Công ty Luật Tilleke&Gibbins.

Ông Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư thành viên Công ty Luật Tilleke&Gibbins.

Ông Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư thành viên Công ty Luật Tilleke&Gibbins, Trọng tài viên VIAC cho biết đi cùng với những điểm mới của pháp luật, diễn giả nhận định, các tranh chấp cũng vì các điểm mới này mà có thể phát sinh và sẽ gây ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng nếu doanh nghiệp bỏ qua hoặc không tìm hiểu kỹ. Điển hình có thể kể đến một số tranh chấp liên quan đến việc nhà đầu tư bị đình chỉ hoặc chấm dứt dự án, dự án bị chấm dứt vì đầu tư trên cơ sở ẩn danh, không tuân thủ quy định về pháp luật cạnh tranh… Các tranh chấp xảy ra đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không chỉ chịu tổn thất về kinh phí, thời gian, nhân sự, mà hơn hết các thương vụ M&A đang được tiến hành cũng sẽ bị ngưng trệ, ảnh hưởng ít nhiều.

Từ những đánh giá đưa ra, Luật sư nhận định, bên cạnh các yếu tố thương mại, doanh nghiệp cần cẩn trọng và chú tâm nhiều hơn vào các nội dung pháp lý khi thực hiện giao dịch M&A, nhất là việc quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp. Hiện tại, ở Việt Nam, ngoài Tòa án, các phương thức khác như trọng tài, hòa giải cũng được doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn.

Chuyên gia cho rằng, tính bảo mật, linh hoạt, sự thuận tiện trong việc lựa chọn ngôn ngữ là những yếu tố phù hợp với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch M&A trong nước và quốc tế; từ đó, các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Bản tin 60s ngày 17/11: Doanh nghiệp cao su Việt Nam - M&A để “đấu” đối thủ ngoại

    11:00, 17/11/2020

  • 19/11: Hội thảo Sự thay đổi khung pháp lý và tác động với giao dịch M&A tại Việt Nam

    16:37, 10/11/2020

  • Những điểm sáng của thị trường M&A tại Việt Nam

    07:46, 06/11/2020

ĐỖ HUYỀN