“Ì ạch” cổ phần hóa: 5 năm mới thành công 37/177 doanh nghiệp, vì đâu?
Xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù đã trải qua 5 năm thực hiện, thế nhưng, kết quả thu về vẫn không mấy khả quan, nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ đâu?
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020, có 177 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị trên 443.500 tỷ đồng (vốn Nhà nước trên 207.100 tỷ đồng) theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng, tính đến hết tháng 7/2020, mới chỉ có 37/177 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa thành công.
Không ít nguyên nhân đã được chỉ ra để lý giải cho sự bế tắc này, một trong số đó có thể kể tới là đại dịch COVID-19, dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư không dư thừa nguồn lực để tham gia vào các phiên đấu giá.
Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất lại nằm ở tỷ lệ thoái vốn, nhiều thương vụ đã được tiến hành thông qua tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, nhưng, tỷ lệ thoái vốn lại rất thấp, có khi chỉ từ 10 - 20%. Việc chỉ sở hữu quá ít cổ phần, khiến các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp.
Trường hợp cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T mua lại hơn 114,8 triệu cổ phiếu, (tương đương 25% cổ phần) của Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II với mức giá khởi điểm hơn 10.000 đồng/cổ phần, Tập đoàn T&T đã phải chi ra tối thiểu hơn 1.200, thế nhưng, vốn Nhà nước tại Vinafood II vẫn ở tỷ lệ chi phối 51%, trong khi T&T Group với 25% cổ phần, không có nhiều tiếng nói trong ban quản trị, khiến hoạt động của Vinafood II sau cổ phần hóa, hầu như không có nhiều thay đổi.
Ở một khía cạnh khác, phát biểu tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" vừa qua, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước - Đoàn Xuân Tiên nhận định, việc triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước hiện nay còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Lý giải về nhận định của mình, ông Tiên cho biết, từ năm 2017 đến nay, toàn ngành đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020, tuy nhiên, kết quả cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế gây ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt, là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho,...
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỷ đồng, trong đó, UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến, chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất… dẫn đến kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576 tỷ đồng.
Ngoài ra, về mặt pháp lý hướng dẫn công tác xác định giá trị doanh nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, liên quan đến các vấn đề: xử lý tài chính, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Tất cả những yếu tố này đã gây ảnh hưởng đến công tác kiểm toán, đặc biệt là việc lưu trữ, cung cấp hồ sơ tài liệu, hồ sơ pháp lý của tài sản hiện hành.
Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA), ngoài những vướng mắc và khó khăn khách quan, tiến độ chậm trễ này còn do các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước thiếu quyết liệt triển khai thực hiện cổ phần hóa…
“Cổ phần hóa doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường đa sở hữu ở Việt Nam, đây là việc làm không dễ dàng, do đó Kiểm toán Nhà nước với vai trò là cơ quan và công cụ kiểm tra tài chính nhà nước cần đóng vai trò tích cực hơn, có hiệu quả hơn trong quá trình này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm