RCEP và lộ trình cắt giảm thuế quan

ĐỖ HUYỀN 01/12/2020 04:50

Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Thủy sản là mặt hàng điển hình có lợi thế thúc đẩy xuất khẩu với RCEP.

Thủy sản là mặt hàng điển hình có lợi thế thúc đẩy xuất khẩu với RCEP.

Hài hòa quy tắc xuất xứ

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Phân tích sâu hơn trường hợp của thủy sản, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong thời gian gần đây, đa số các nước trong khối RCEP đều được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản và trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Tại khu vực RCEP, phần lớn các quốc gia có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật, Australia và New Zealand. Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP”, ông Thái nói.

Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.

Về phạm vi thuế quan tại RCEP, các bên tham gia không cam kết trong lĩnh vực thuế xuất khẩu mà chỉ đưa ra các cam kết đối với thuế nhập khẩu. Các nước cam kết đối với toàn bộ biểu thuế, bao gồm các danh mục xóa bỏ thuế nhập khẩu, cắt giảm thuế và loại trừ đối với phạm vi nhỏ dòng thuế. Các nước đối tác cam kết tỷ lệ tự do hóa cho ASEAN cũng như các nước ASEAN cam kết cho nhau vào khoảng 90-92%, trong khi tỷ lệ tự do hóa một số nước đối tác dành cho nhau và một số nước ASEAN dành cho nước đối tác ở mức thấp hơn (83-89%). Sự khác biệt này phản ánh trình độ phát triển khác nhau giữa các nền kinh tế RCEP cũng như mối quan hệ thương mại đan xen trong khu vực.

Việc xóa bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu được thực hiện theo cam kết tại biểu thuế của các bên. Tỷ lệ tự do hóa đạt mức cao tại các thời điểm 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tùy thuộc vào cam kết cụ thể của các bên. Điểm đáng chú ý, hầu hết các bên sẽ thực hiện xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định RCEP có hiệu lực đối với lượng lớn số dòng thuế (từ 64%-82% số dòng thuế).

Đây là mức cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực tương đối mở so với các FTA trước đây. Lý do chính đó là hiện trạng chính sách thương mại của các bên khi tham gia RCEP đã có độ mở cao sau một thời gian dài tham gia các khuôn khổ hiệp định thương mại đa phương và song phương. Theo lộ trình cam kết trong Hiệp định RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Australia và Newzealand đạt 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%.

Có thể dùng chung chứng nhận C/O

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), RCEP tích hợp một số FTA mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho doanh nghiệp.

Bình luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay các doanh nghiệp Việt Nam rất kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với nhiều lợi ích về thuế quan, trong khi những thị trường này lại không quá khó tính. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn, bên cạnh quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại.

“Nếu như ở CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan”, bà Trang so sánh.

Ngoài ra, RCEP còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nhờ hưởng ưu đãi về thuế quan.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về quy tắc xuất xứ, liệu nguyên liệu trong RCEP có được xem là nội khối và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên hay chỉ các nước ASEAN mới được tính là nội khối như trước”, ông Trương Đình Hòe bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ doanh nghiệp Việt để không thua thiệt trong RCEP

    06:00, 30/11/2020

  • RCEP cũng không thể hàn gắn mối quan hệ Trung - Úc

    06:00, 30/11/2020

  • RCEP và “cây gậy” của Trung Quốc

    06:00, 24/11/2020

  • Hiệp định RCEP với các ngành (Kỳ 1): Nông sản Việt hưởng lợi ra sao?

    04:30, 24/11/2020

ĐỖ HUYỀN