Grab tăng giá cước sau quy định thuế mới: Hết thời “thả thính, câu khách”?
Khi miếng bánh thị phần đã đủ lớn, ông lớn Grab dường như đang lộ dần chiến lược kinh doanh mang tính chất… “tận thu”.
Mới đây, tại Hà Nội và TP HCM, nhiều tài xế xe máy công nghệ GrabBike đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối hãng xe công nghệ Grab tăng chiết khấu thuế GTGT.
Grab tăng cước đột ngột
Thực hiện theo nghị định mới, Grab điều chỉnh giá cước đối với hành khách và tăng tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế. Cụ thể, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP HCM tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km; Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km. Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.
Về tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe, mức khấu trừ đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%; tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25% (bao gồm phí ứng dụng + phí giá trị gia tăng+ thuế thu nhập cá nhân). Tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.
Trong các hãng xe công nghệ đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có Grab “nhanh nhẹn” thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.
Trước phản ứng của tài xế GrabBike, đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam giải thích trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7% một năm. Còn sau khi điều chỉnh cước mới, thu nhập của tài xế chỉ giảm với mức 1%/năm. Cước phí mới vẫn bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường. Việc tăng giá cước còn nhằm mục đích tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong tương lai, duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ.
Ngay trong tối cùng ngày, Grab Việt Nam cũng có thông báo chính thức về vụ việc. Thông báo nêu rõ theo Nghị định 126, thuế GTGT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Do đó, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp; đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Cách tính thuế của Grab chưa ổn
Bình luận về động thái tăng giá này của Grab, nhiều chuyên gia khẳng định khi thị phần đã ổn định, việc “rắc thính” để câu khách không còn trở nên cần thiết nữa thì “ông lớn” xe công nghệ bắt đầu lộ dần chiến lược tận thu. Chiến lược này bắt đầu từ việc tăng giá cước.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, giải thích theo quy định tại Nghị định 126, trong trường hợp của Grab, doanh nghiệp phải kê khai thuế GTGT 10% trên tổng doanh thu và sẽ được khấu trừ đầu vào.
Còn người lái xe 2 bánh chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên phần thu nhập được hưởng, trong trường hợp thu nhập chịu thuế trong năm từ 100 triệu đồng trở lên. Như vậy, với cách tính của Grab, nhiều tài xế thu nhập chưa tới 100 triệu đồng/năm nhưng vẫn bị áp thuế GTGT 10%.
Cũng theo ông Đặng Ngọc Minh, trách nhiệm kê khai thuế GTGT thuộc về doanh nghiệp vì đây là loại thuế tiêu dùng, đánh vào khách hàng chứ không phải đánh vào tài xế. Trong trường hợp có sự xuất hiện của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu và được khấu trừ đầu vào để bảo đảm công bằng.
Có thể bạn quan tâm
Có hay không thương vụ M&A Grab- Gojek?
04:00, 07/12/2020
CEO Grab Việt Nam: Các startup Grab Ventures Ignite đã có sự chuyển mình ấn tượng!
04:37, 05/12/2020
Grab và Gojek sắp đạt được thỏa thuận sáp nhập
17:25, 02/12/2020