Grab bỏ ngỏ trách nhiệm với người lao động

BÙI - TRANG 09/12/2020 01:00

Hàng loạt nhóm tài xế Grab đã tập trung căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe của doanh nghiệp này.

Các tài xế cho biết, đang kêu gọi mọi người tập trung để đòi hỏi quyền lợi của mình, do Grab cắt mức phí quá cao.

 Tài xế Grab căng băng rôn phản đối chính sách của Grab. Ảnh: Quang Huy

Tài xế Grab căng băng rôn phản đối chính sách của Grab. Ảnh: Quang Huy

Tăng giá…

Grab Việt Nam cho biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi. Với quy định này, Grab sẽ kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Doanh nghiệp này cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.

Grab cho biết, sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng ngày 5/12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.

Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.

Grab hiện là ứng dụng gọi xe đầu tiên công khai thay đổi mức thu mới. Điều này đã gây ra các phản ứng tiêu cực ở phía các đối tác tài xế. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình của các tài xế GrabBike ở cả hai miền Nam, Bắc trong ngày 7/12.

Grab đồng thời tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5/12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Vì chính sách

Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126 nêu rõ: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.

Với quy định này, các nền tảng gọi xe công nghệ phải thực hiện kê khai thuế cho toàn bộ các đối tác tài xế với thuế GTGT áp ở mức 10%. Ngoại trừ các tài xế của ứng dụng gọi xe be đang áp mức 10% (do đăng ký kinh doanh loại hình vận tải), hầu hết các ứng dụng hiện nay đều áp mức thuế GTGT 3% trên tất cả các cuốc xe.

Đại diện Grab cũng cho biết: “Trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, Grab đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định”.

Tuy nhiên, Grab cung cấp phần mềm công nghệ cho người lao động Việt Nam, thu lợi nhuận từ phần mềm đó, vì vậy họ phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, Grab đang bỏ ngỏ, đẩy trách nhiệm cho xã hội, cho cơ quan nhà nước.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế
DNNVV và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế):

Nghị định 126 hướng đến sự bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ. Bởi từ trước ngày 5/12, các hãng taxi truyền thống đã kê khai 10% thuế VAT trên toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng, trong khi Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT cá nhân và “né” được rất nhiều thuế. Còn khi đã xác định là đơn vị kinh doanh vận tải thì buộc hãng phải xây dựng một khung giá và khách hàng là người lựa chọn khung giá đó. Giá cả hoàn toàn do thị trường quyết định, cơ quan thuế không có chức năng quản lý vấn đề này. Các hãng cạnh tranh nhau, từ đó khiến cho hãng phải tự điều chỉnh mức giá phù hợp.

Sau nghị định mới, hãng và tài xế có thể sẽ phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh hợp đồng. Theo quy định mới với đúng bản chất, nếu Grab giữ nguyên mức chia phần trăm với đối tác tài xế và thực hiện nghĩa vụ thuế thì tài xế sẽ giảm được 3% thuế VAT cá nhân. Thế nhưng, trên thực tế, với biểu giá tăng lên, đồng thời thay đổi tỷ lệ chiết khấu của Grab, thu nhập tài xế lại giảm đáng kể trong khi người dùng phải chi trả nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Về mặt bản chất, VAT là thuế gián thu. Tức đây là tiền thuế của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước và Grab hay các hãng xe công nghệ chỉ có trách nhiệm kê khai và nộp thay cho hành khách. Tuy nhiên, việc Grab “nhanh nhảu” tăng giá cước ngay khi Nghị định 126 có hiệu lực trong khi nhiều hãng xe công nghệ khác vẫn đang cố nghe ngóng nhằm đưa ra chính sách giá cước phù hợp với khách hàng và chính sách hỗ trợ tài xế cho thấy cách hành xử của Grab không được ổn. Có lẽ Grab quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình nên tự cho mình cái quyền tăng giá cước bất cứ lúc nào họ muốn.

Đây là giai đoạn kinh tế khó khăn, xã hội bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, tăng giá cước lúc này vừa làm mất quyền lợi của người tiêu dùng, vừa đe dọa “nồi cơm” của các tài xế”.

BÙI - TRANG