Cảnh báo từ doanh nghiệp P2P Trung Quốc

BẢO LAM 09/12/2020 03:55

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế.

 Nhiều công ty P2P lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam

Nhiều công ty P2P lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam

Lần đầu tiên, một báo cáo đầy đủ về kinh tế chia sẻ, trong đó có cho vay ngang hàng (P2P lending) được xây dựng nhằm đề xuất với Chính phủ giải pháp tiếp tục thúc đẩy mô hình này theo hướng phát huy tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Doanh nghiệp P2P Trung Quốc chọn Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình P2P lending được phát triển trên app (ứng dụng) hoặc website với sự tham gia của công ty P2P lending, người đi vay, người cho vay, ngân hàng (NH), công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ...

Hiện thị trường có khoảng 100 công ty, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... Trong đó có một số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia, thể hiện việc nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

"Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... tăng cường quản lý hoạt động P2P lending, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty P2P lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam" - báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Nhu cầu và tiềm năng thị trường P2P lending ở Việt Nam được đánh giá rất lớn. Chẳng hạn, chỉ tính riêng Tima - sàn kết nối giữa người vay và người đi vay - sau 4 năm có mặt trên thị trường đã giải ngân hơn 96.000 tỉ đồng cho 4,89 triệu người vay; thu hút hơn 46.000 người cho vay. Có điều, Việt Nam đến nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động này nên không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính).

Cần sớm có hành lang pháp lý

Mới đây, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã báo cáo xin ý kiến về một số trường hợp công ty có đăng ký kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, liên hệ tới để đăng ký khoản vay nước ngoài. Hoạt động cầm đồ tại các công ty này có số tiền cho vay nhỏ, số lượng khoản vay lớn, chi phí vay cao, được thực hiện qua app, website, có sự hợp tác với công ty tư vấn, môi giới tài chính... để tìm kiếm khách vay trong nước. Các hợp đồng vay cầm cố, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản được thực hiện qua phương tiện điện tử...

"Việc doanh nghiệp cầm đồ ký hợp đồng với khách qua phương tiện điện tử có đúng với quy định pháp luật? Tài sản cầm đồ lại được giao cho chính người đi cầm giữ/thuê (có trả phí) mà không chuyển cho doanh nghiệp cầm đồ có đúng bản chất hoạt động này và quy định pháp luật?" - NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM băn khoăn và gửi văn bản xin ý kiến NH Nhà nước.

Đây thực chất là mô hình cho vay trực tuyến "cộng sinh" tiệm cầm đồ, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý. Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh nhận định đang có nhiều công ty P2P lending hoạt động mà không đăng ký kinh doanh, núp bóng tiệm cầm đồ, tín dụng đen... Nhiều công ty chỉ cho vay qua app, công ty có nguồn gốc từ nước ngoài nên rất khó kiểm soát dòng tiền, nhà nước thất thu thuế. Do đó, cần sớm có khuôn khổ, hành lang pháp lý để quản, chế tài những mô hình cho vay trực tuyến này để tránh hệ lụy cho xã hội khi người vay lãi suất "cắt cổ", đòi nợ kiểu xã hội đen.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định:

Tại Việt Nam đã xuất hiện một số công ty P2P lending cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen này... diễn biến rất phức tạp. Các công ty này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế, xã hội...

Cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý; quy định rõ cho vay ngang hàng có thể giới hạn phạm vi, đối tượng chỉ gồm nhà đầu tư và bên vay là cá nhân, hạn mức khoản vay tối đa. Có cơ chế cấp phép đối với công ty P2P lending trên cơ sở xác định tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ. Có biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trách nhiệm của công ty P2P lending với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ...

BẢO LAM