TS Nguyễn Đình Cung: “Phải loại bỏ thanh tra theo kế hoạch”

ĐỖ HUYỀN 09/12/2020 18:04

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc thanh tra theo kế hoạch đã và đang tạo ra rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp.

Tại “Toạ đàm 5 năm tới: Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung nhận định, năm 1999, chúng ta có một thay đổi căn bản trong Luật doanh nghiệp, "doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm". Năm 2014, "doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà luật không cấm".

TS Nguyễn Đình Cung, Trọng tài Viên VIAC

TS Nguyễn Đình Cung, Trọng tài Viên VIAC

Trước đây, thông tư cũng có thể cấm được, nhưng giờ là luật không cấm. Nếu nói về bước tiến thì thực sự có bước tiến rất lớn về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc gặp phải những rào cản, tôi quan sát thấy hàng ngày. Mà không phải chỉ vì vấn đề thực thi luật pháp, tôi cho rằng, xuất phát điểm là tư duy xây dựng luật pháp. Hiện nay, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm. Nhưng, còn hai vế, kinh doanh như thế nào, sản xuất cho ai, bao nhiêu, như thế nào thì gần như chưa được tự do. Chúng ta mới chỉ được tự do lựa chọn kinh doanh "cái gì" thôi. Một dự án đầu tư yêu cầu suất đầu tư phải từng này tiền, quy mô phải chừng này... thì đều là hạn chế quyền tự do kinh doanh” - ông Cung nói.

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, chúng ta đang bị hạn chế kinh doanh ở hai câu hỏi: làm thế nào, và làm bao nhiêu.

Ông Cung bổ sung thêm, cách thức quản lý nhà nước của chúng ta đang là cách thức quản lý theo lối kiểm soát, bắt buộc người dân và doanh nghiệp làm theo quy định. Nếu chúng ta quản lý và có hàng loạt đợt thanh, kiểm tra như thế, thì những giấy phép, chứng nhận đó đang là công cụ quản lý nhà nước. Nếu chúng ta cắt bỏ hoàn toàn đi, lúc đó lại tạo ra áp lực để người ta tìm kiếm công cụ mới. Nếu như chỉ thay đổi thủ tục hành chính như hiện nay cũng chỉ là vấn đề ngọn, không phải vấn đề gốc. Mà phải thay đổi nội dung của luật, chứ không phải thủ tục.

"Chúng ta vẫn hớt ngọn thế này thì vài bữa nó [rào cản - PV] lại mọc lại" - ông Cung khẳng định.

Cùng với đó, ông Cung nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì cơ chế thanh tra theo kế hoạch. Ông Cung cho rằng điều này không đúng.

Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, anh đưa họ vào kế hoạch thanh tra, như thế là đầy rủi ro cho doanh nghiệp. Ta phải thay đổi, trong kinh tế thị trường không có chuyện thanh tra như thế. Bởi nếu lợi ích bị vi phạm, đã có trọng tài, có tòa án, sao lại có một ông vào thanh tra xem tôi có tuân thủ pháp luật không.

Tôi cho rằng thanh tra theo kế hoạch là di sản của kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, ta phải bỏ nó đi. Có như vậy thì hệ thống giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan mới thực sự là dân sự, là kinh tế chứ không phải hành chính như hiện nay”, ông Cung nói.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngoài ra, về tư duy quản lý nhà nước, ông Cung cũng cho rằng khái niệm này nên bỏ đi, vì đây là di sản của thời kì quan liêu, bao cấp. “Đã là quản lý tức là phải theo thứ bậc, nhà nước ở trên, doanh nghiệp và người dân đứng dưới, đã là quản lý thì nhà nước phải biết người dân, doanh nghiệp đang làm thế nào, nhưng kinh tế thị trường đâu có thế”.

“Ở kinh tế thị trường, nhà nước can thiệp rất ít mà để thị trường tự giải quyết. Đây là điểm nghẽn về tư duy hiện nay, ta phải giải quyết”, ông nói thêm.

Ông Cung đề xuất, giải pháp trước mắt là vẫn tiếp tục như hiện nay, cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục kinh doanh, thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giải pháp điều hành sẽ là: Bộ nào, ai soạn ra những quy định tạo rào cản cho doanh nghiệp thì phải cách chức người soạn thảo. Vì có nhiều thông tư, nghị định, không có vấn đề thì tạo vấn đề cho doanh nghiệp, vấn đề nhỏ thì tạo ra vấn đề lớn, chứ không phải giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp, chứ không phải coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý, đối tượng ngăn chặn kinh doanh, đối tượng để trục lợi cá nhân.

"Sau đó, chúng ta mới bắt đầu tính đến chuyện dài hạn hơn. Thay đổi được căn bản trước mắt thì sẽ thay đổi được dài hạn. Tập trung áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đừng cấm những gì mới. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, thì những thứ mới xuất hiện là có xu hướng không cho họ làm, vì không có quy định. Những người lãnh đạo cấp cao phải có sự thay đổi căn bản về tư duy trong cách thức quản lý thì mới có thể triển khai được" - ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta mới cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm mà chưa cho phép người dân và doanh nghiệp được tự do làm như thế nào. Rất nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã chết vì không được tự do sáng tạo, bị kìm hãm bởi rào cản "làm thế nào".

"Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng "chết còn hơn sống" vì suốt ngày phải chịu cảnh "nay thanh tra, mai kiểm tra. Hiện nay, doanh nghiệp không có công cụ để tự bảo vệ mình, không có toà án đúng nghĩa dành cho họ, tất cả các cơ quan quản lý dường như đều đang "xỉa" doanh nghiệp khiến doanh nghiệp uể oải, không thể lớn và không muốn lớn", ông Cung nhấn mạnh.

So sánh tinh thần doanh nghiệp hiện nay với những năm 2000-2005 mới thấy, tinh thần doanh nghiệp hiện giờ đang giảm sút rất nhiều. Các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, không còn hào hứng với công việc của hiệp hội. Cho nên, chúng ta phải khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, tạo dựng lực lượng lãnh đạo dẫn dắt, thúc đẩy tinh thần tự do và an toàn trong kinh doanh để tạo ra sức bật cho khu vực này. Đồng thời phải dẹp bỏ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không cần thiết, tăng cường hậu kiểm... để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển thay vì tạo ra những công cụ "hành" doanh nghiệp như thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có cơ chế giám sát việc thanh tra doanh nghiệp

    11:50, 03/11/2019

  • Hải Phòng: Ra chỉ thị giới hạn số lần thanh tra doanh nghiệp trong năm

    13:42, 27/06/2017

ĐỖ HUYỀN