Vì đâu phân bón giả vẫn tràn lan thị trường?

GIA NGUYỄN 11/12/2020 04:50

Mặc dù tiềm ẩn nhiều hệ lụy đe dọa trực tiếp kinh tế của bà con nông dân, doanh nghiệp, thế nhưng, nhiều năm qua, bài toán xử lý triệt để phân bón giả vẫn chưa có lời đáp, vì đâu?

Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả, thực trạng này đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân. Nhức nhối là như vậy, tuy nhiên, thị trường phân bón giả vẫn vô cùng nhộn nhịp, khi việc “phạt lắm, bắt nhiều” từ lực lượng chức năng vẫn chưa cho thấy hiệu quả trong việc ngăn chặn triệt để vấn nạn này, “lỗ hổng” từ đâu?

Mặc dù đã có những động thái quyết liệt từ lực lượng chức năng, tuy nhiên, vấn nạn phân bón giả vẫn là bài toán khó chưa có lời giải - Ảnh: QLTT

Mặc dù đã có những động thái quyết liệt từ lực lượng chức năng, tuy nhiên, vấn nạn phân bón giả những năm qua vẫn là bài toán khó chưa có lời giải - Ảnh: QLTT

Thực tế, liên tiếp trong thời gian vừa qua, lực lượng QLTT nói riêng và các ngành chức năng nói chung đã liên tiếp triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước, nổi cộm trong số đó như:

Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 336 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đã lấy 60 mẫu phân bón, 16 mẫu thuốc BVTV gửi cơ quan chức năng phân tích kiểm nghiệm chất lượng, kết quả, phát hiện 27 trường hợp vi phạm (phân bón 10 trường hợp, thuốc BVTV 13 trường hợp, chế phẩm diệt côn trung 04 trường hợp).

Hay trong tháng 10/2020 vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra phân bón do Công ty TNHH Thương mại Châu RHINO sản xuất trên hai địa bàn là tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, kết quả kiểm định những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đã khiến dư luận không khỏi giật mình khi 61,5/90 tấn phân bón kiểm nghiệm là hàng giả, không có giá trị sử dụng…

Và theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 2 năm qua, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, thu giữ hàng chục nghìn tấn phân bón vi phạm có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 82,634 tỷ đồng, khởi tố 10 vụ và 12 bị can.

Vậy, tại sao phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường? Hàng triệu người nông dân vẫn đứng trước nguy cơ đe dọa? Và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đang phải hứng chịu thiệt hại từ thực trạng này?

thực trạng này đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân

Thực trạng phân bón giả đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân - Ảnh: DT

Theo các chuyên gia, để dẫn đến thực trạng như hiện nay, xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (Việt Nam có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Thứ hai, lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, kinh phí dành cho quản lý ít, đội ngũ quản lý không đồng nhất, đặc biệt, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi cho nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống, chưa kể đến tình trạng một bộ phận cán bộ biến chất "bảo kê" cho cơ sở sản xuất vi phạm.

Thứ ba, việc xử lý vi phạm chưa được nghiêm, chưa đủ sức răn đe, thể hiện qua việc, mỗi năm, lực lượng chức năng đấu tranh bắt giữ khoảng 4.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón như đã nêu, tuy nhiên, số vụ việc bị khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả là rất lớn.

Thực tế, liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ III, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: "Tới đây phải điều tra truy tố nghiêm khắc nhất theo Luật hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả, phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả bắt bỏ tù ngay, lên án những hành vi tiêu cực".

Bên cạnh tính chất nghiêm minh của pháp luật, thì một vấn đề khác cũng khiến dư luận vô cùng quan ngại đó là việc số lượng cơ sở, nhà sản xuất phân bón trên cả nước ta hiện nay quá nhiều, trong khi, những nước như Trung Quốc có quy mô sản xuất nông nghiệp gấp 10 lần nước ta cũng chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp (Việt Nam là hơn 1.000), hay xét về chủng loại phân bón, tại Thái Lan chỉ dùng khoảng 100 chủng loại (Việt Nam là hơn 7.000).

Từ những con số thống kê kể trên có thể thấy, mặc dù các lực lượng chức năng rất tích cực trong hoạt động chống vấn nạn phân bón giả, tuy nhiên, “phạt lắm, bắt nhiều” chưa phải là lời giải triệt để, lâu dài với bài toán kể trên.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Giá phân bón sẽ ra sao khi áp thuế VAT 5%?

    Giá phân bón sẽ ra sao khi áp thuế VAT 5%?

    02:40, 07/11/2020

  • Tăng thuế giá trị gia tăng cho phân bón: Tin vui cho doanh nghiệp

    Tăng thuế giá trị gia tăng cho phân bón: Tin vui cho doanh nghiệp

    04:50, 03/11/2020

  • Siết quản lý chất lượng phân bón

    Siết quản lý chất lượng phân bón

    00:04, 01/11/2020

  • Đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế 5%: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế 5%: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    04:40, 09/10/2020

GIA NGUYỄN