Vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ
Tọa đàm do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Cục An toàn Thực phẩm và Hiệp hội Thực phẩm chức năng tổ chức đã thu hút nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Nhiều dấu hiệu vi phạm cũng như giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng đã được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Chấn chỉnh vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng - Giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển”.
Vi phạm tràn lan
Trong những năm qua, cùng với xu thế phát triển kinh tế đất nước, thu nhập và mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao nên thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển không ngừng. Với mong muốn cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về tính chất, tác dụng của từng loại sản phẩm TPCN đối với sức khỏe người tiêu dùng, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc công bố, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, thời gian qua, do số lượng sản phẩm, quy mô thị trường tăng trưởng nhanh chóng nên lợi dụng kẽ hở trong chính sách quản lý, không ít doanh nghiệp kinh doanh Thực phẩm chức năng đã cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố, khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến 25/9/2020, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở, tổng số tiền phạt là 2.789.618.715 đồng, trong đó xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt về quảng cáo là: 1.615.000.000 đồng.
Trong thời gian qua, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) vi phạm quảng cáo, Cục ATTP đã đăng công khai trên trang web của Cục để cảnh báo đến người tiêu dùng.
Cụ thể, ngày 15/12, Cục ATTP đã thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ban thốc khang đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Theo đó, Cục ATTP phát hiện trên các website: http://www.thaybinhchuatoc.info; http://tocthaybinh.vn; http://hacotruongvietbinh.vn, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ban thốc khang vi phạm: quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo sản phẩm dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Trước đó, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đường vị an, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh... vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, Cục ATTP cũng đã đăng công khai trên trang web của Cục để cảnh báo người tiêu dùng.
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Việc vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng thời gian qua không chỉ làm mất lòng tin người tiêu dùng mà xa hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, thậm chí tính mạng người dân
Ông Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng Bảo vệ Người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) cho rằng: Thông tin trên báo chí, phát thanh truyền hình đang là định hướng cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nói chung và các sản phẩm Thực phẩm chức năng nói riêng. Nếu các phương tiên báo đài vì một nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó mà quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, quảng cáo theo đơn đặt hàng mà không kiểm tra kỹ công dụng sản phẩm theo giấy phép quảng cáo của cơ quan có thẩm quyền hoặc thậm chí biết mà vẫn làm ngơ thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Cần giải pháp mạnh tay và đồng bộ
Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thì cho rằng về nguyên tắc Thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ điều trị chứ không phải thuốc chưa bệnh nên tuyệt đối không được dùng những câu chữ tránh gây hiểu lầm, các câu chữ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng dùng sản phẩm sẽ chữa khỏi bệnh.
Đối với sản phẩm Thực phẩm chức năng thì người biết rõ nhất công dụng không ai khác chính là nhà sản xuất. Việc các ca sĩ, nghệ sĩ hay giáo sư bác sĩ nhận xét về một sản phẩm cụ thể nào đó là điều bất hợp lý và không cho phép cũng chính vì muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân bởi không ai có thể kiểm soát lời nói của họ đúng hay sai, mức độ nói quá công dụng sản phẩm đến đâu. Ngay cả nhiều Doanh nghiệp lớn cũng bị các trang mạng cố tình quảng cáo sai, quảng cáo quá sản phẩm để bán hàng thì chắc chắn việc nghiêm cấm những người có ảnh hưởng đến cộng đồng nhận xét về sản phẩm là điều hoàn toàn hợp lý và nên làm.
Bà Nga cũng thừa nhận việc phối kết hợp để thanh kiểm tra và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực Thực phẩm chức năng đang có một số khó khăn khi thời gian gần đây đa số các vụ vi phạm đều khá tinh vi và đặch biệt là các vụ việc đều được thực hiện trên mạng xã hội, các trang web, facebook và trang Thương mại điện tử.
Thời gian tới Cục An toàn Thực phẩm cũng sẽ chủ động nghiên cứu và đưa ra các quy chế phối hợp để việc ngan chặn xử phạt các hành vi vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng được ngày cạng hiệu quả.
Ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc đối ngoại Amway Việt Nam cung cấp thông tin hiện nay còn xuất hiện rất nhiều website hoạt động bán hàng nhưng không được cấp phép bởi Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, bày bán tràn lan các loại TPCN với những quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, khi Amway liên hệ với các trang này để yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm, các trang này không những không hợp tác mà còn có thái độ thách thức pháp luật. Khi Amway trình bày vụ việc lên các cấp chính quyền, thì nhận được câu trả lời là không có cơ chế phối hợp xử lý, vì cơ quan nào cũng bảo rằng không thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Nhiều công ty khác cũng đang đối diện với vấn đề này tương tự như Amway.
Đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN, Ông Cao Xuân Quảng cho rằng một trong những biện pháp hữu hiệu đó là cần chấn chỉnh và xử phạt những tờ báo, trang mạng điện tử hay kênh truyền hình quảng cáo sản phẩm Thực phẩm chức năng mà không tuân theo giấp phép đã cấp cho sản phẩm, các trường hợp nói sai, nói không đúng sự thật mà báo đài vẫn đăng phát thì báo đài đó sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm và bị xử phạt nghiêm minh.
Một trong những giải pháp mà hầu hết các đại biểu đều đồng tình đó là các Bộ liên quan như Bộ y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là những Bộ đã được Thủ tướng giao việc cấp phép lưu hành sản phẩm sẽ phải cùng các bộ Thông tin truyền thông, Công an ngồi với nhau để đề ra một có chế phối hợp đồng bộ, hợp lý sao cho việc thanh kiểm tra, xử lý được thuận lợi hiệu quả, đảm bảo nhanh, mạnh góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng thời gian qua.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Thời gian qua, việc vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng diễn ra khá nhiều khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Hình thức vi phạm phổ biến là: Quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng, quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận…. Cục An toàn Thưc phẩm chúng tôi đã liên tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh, tuy nhiên do sự phát triển nhanh chóng về công nghệ như mạng xã hội, zalo, facebook… cộng với tốc độ phát triển thị trường quá nhanh nên việc xử lý chưa được hiệu quả. Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành để có những giải pháp đồng bộ, giúp việc thanh, kiểm tra cũng như xử lý hữu hiệu hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thị trường Thực phẩm chức năng minh bạch và phát triển. Ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam Thời gian qua mặc dù đã có những quy định, chính sách về quảng cáo nhưng hiện tượng vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng vẫn diễn ra khá phổ biến. Những hình thức quảng cáo Thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh đặc trị cũng như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến làm ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật như chúng tôi. Chúng tôi mong rằng nhà nước cần có những quy định, chính sách quảng cáo Thực phẩm chức năng phù hợp hơn nữa với xu thế thị trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế phối hợp và đồng bộ để ngăn chặn việc quảng cáo Thực phẩm chức năng không đúng sự thật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Thực phẩm chức năng chân chính. |