Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm: Lời giải cho bài toán quản lý

GIA NGUYỄN 18/12/2020 11:11

Không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, việc quảng cáo TPCN sai sự thật còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần được chấn chỉnh…

Thời gian vừa qua, dư luận liên tục nóng lên bởi hiện trạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) thổi phồng công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, xử lý những vi phạm nêu trên luôn trở thành bài toán nan giải, dù các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cũng đã có nhiều sự vào cuộc quyết liệt. Tại Tọa đàm "Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển", nhiều doanh nghiệp mong muốn sẽ có một lời giải nhất định để chấm dứt hiện trạng đã nêu.

 Vi phạm về quảng cáo đang là vấn đề rất đau đầu với các cơ quan quản lý, bởi TPCN là sự giao thoa giữa thực phẩm và thuốc.

Vi phạm về quảng cáo đang là vấn đề rất đau đầu với các cơ quan quản lý, bởi TPCN là sự giao thoa giữa thực phẩm và thuốc.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính

Ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam đánh giá, thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với TPCN, hành lang pháp lý quản lý quảng cáo sản phẩm đã có đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay trên không gian mạng như: mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khi sản phẩm bị xâm hại, mà chưa thể tìm ra cơ quan đầu mối để phản ánh tới, trong khi, doanh nghiệp rất mong muốn có sự hợp tác từ các cơ quan quản lý bởi hiện nay khi phát hiện ra vi phạm doanh nghiệp có yêu cầu gỡ bỏ nhưng không phải phía vi phạm nào cũng hợp tác giải quyết, không chỉ có vậy còn quay lại thách thức.

Ds. Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco cũng chia sẻ: hiện nay, đang có những hiểu lầm nhất định về TPCN, nhất là phía sau những quảng cáo vi phạm bởi ngay từ đầu người dân đã không được trang bị những kiến thức nhất định về sản phẩm, nên sau khi sử dụng, không đem lại hiệu quả mong muốn như quảng cáo, sẽ đưa ra những cảnh giác nhất định về sản phẩm, dù đó là sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Đây là những ảnh hưởng lâu dài lên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính không bao giờ mong muốn.

Còn theo Ds. Lê Thị Bình - Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình, hiện nay, quảng cáo vi phạm không chỉ đưa lên những sản phẩm do chính mình, mà còn mạo danh các thương hiệu để quảng cáo sai sự thật, vậy nên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng.

Cần công khai thông tin doanh nghiệp

Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - Ds. Nguyễn Xuân Hoàng nêu quan điểm, quảng cáo sản phẩm muốn thu hút được người tiêu dùng thì cần có sự bay bổng, tuy nhiên, để hạn chế việc quảng cáo gây hiểu lầm có thể đưa ra danh sách, quy định những từ ngữ cấm, không được sử dụng để nói về sản phẩm khi quảng cáo.

Còn theo ông Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, TPCN là loại hàng hóa nhạy cảm, câu chuyện quảng cáo TPCN vi phạm không phải mới mà đã kéo dài nhiều năm qua, trong câu chuyện này, người tiêu dùng luôn yếu thế bởi những thông tin nhận được đều xuất phát từ định hướng quảng cáo của nhà sản xuất, vậy nên, muốn đảm bảo được tính trung thực, khách quan, tránh những quảng cáo vi phạm thì ngay từ ban đầu những thông tin về sản phẩm cần được công bố rõ ràng trên bao bì, những lưu ý phải thể hiện rõ khi thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất, doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vi phạm về quảng cáo đang là vấn đề rất đau đầu với các cơ quan quản lý, bởi TPCN là sự giao thoa giữa thực phẩm và thuốc. "Tôi phản đối việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, người bệnh nói về sản phẩm bởi như vậy, bản chất của TPCN đã bị thay đổi, dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm có thể điều trị được bệnh, thay thế thuốc", bà Nga nêu rõ quan điểm.

Để chấn chỉnh hiện trạng quảng cáo vi phạm hiện nay, ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty Amway Việt Nam kiến nghị, cần công khai thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin của các cơ quan quản lý, như vậy, vừa thuận tiện cho người tiêu dùng tiếp cận được doanh nghiệp thật, vừa thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp quảng cáo vi phạm có tính chất chụp giật.

Có thể bạn quan tâm

  • TRỰC TIẾP: Tọa đàm

    TRỰC TIẾP: Tọa đàm "Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, giải pháp giúp thị trường minh bạch và phát triển"

    14:58, 16/12/2020

  • “Dẹp loạn” vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

    “Dẹp loạn” vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

    10:30, 16/12/2020

  • “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường

    “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Hậu quả khôn lường

    04:50, 16/12/2020

  • “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ

    “Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ

    11:00, 15/12/2020

GIA NGUYỄN