Báo động ô nhiễm từ việc khai thác khoáng sản tràn lan
Việc khai thác bừa bãi, cấp phép tràn lan cùng với sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền khiến cho tài nguyên khoáng sản của nước ta đang bị thất thoát, môi trường bị tàn phá đến mức báo động…
Việt Nam là một trong số các quốc gia được đánh giá là phong phú và đa dạng về tài nguyên khoáng sản, với khoảng hơn 5.000 điểm mỏ của hơn 60 loại khoáng sản. Các hoạt động khai khoáng đã và đang góp phần đáng kể cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khoáng sản đang bị khai thác bừa bãi, bị thất thoát và lãng phí.
Còn nhớ, nhiều năm trước, một số liệu thống kê khiến nhiều người không khỏi giật mình, theo đó cả nước tuy chỉ có khoảng vài chục loại khoáng sản nhưng trong 12 năm (1996 - 2008), 2 Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản (bình quân 77 giấy phép/năm). Đáng chú ý, trong 3 năm (2005 - 2008) còn “phân cấp” cho 60 tỉnh, thành phố cấp 4.213 giấy phép (bình quân 1.400 giấy phép/năm).
Có thể thấy, chính bởi việc cấp phép tràn lan cùng sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền mà tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, trong khi, đó là tài sản đặc thù của quốc gia và rất khó có khả năng tái tạo.
Điển hình như tại xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thời gian gần đây xuất hiện những nhóm người đến mua đất ruộng của người dân địa phương. Điều đặc biệt, những người này sau đó đưa máy móc, nhân công đến thửa đất đã mua để tiến hành khai thác vàng trái phép. Được biết, những sự việc trên đã diễn ra gần 10 năm qua, không chỉ gây thất thoát lượng lớn khoáng sản, tài nguyên quốc gia, hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây đang khiến môi trường bị hủy hoại, những con đường dân sinh đang bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp nặng nề.
Thời gian qua, cũng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, người dân địa phương đã vô cùng bức xúc trước thực trạng doanh nghiệp Anh Thắng bất chấp các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, “vô tư” khai thác, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh khiến hàng trăm người dân địa phương đã phải “kêu cứu”. Đáng nói, chỉ đến khi cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh thì lãnh đạo địa phương mới biết và kiểm tra (?!).
Theo một số chuyên gia, các hoạt động khai thác khoáng sản có 12 tác động chính gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, bao gồm: sử dụng chưa thực sự hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải rắn; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng chảy axit mỏ; ô nhiễm không khí; ô nhiễm đất; làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; gây tiếng ồn và chấn động; sự cố môi trường; tác động đến công nghiệp nói chung; tác động đến kinh tế xã hội; gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người lao động.
Thực tế, hiện chưa thống kê được toàn bộ đất đá thải từ các mỏ và điểm mỏ đang khai thác, chế biến trên phạm vi cả nước. Trong số đó có các cơ sở chế biến có quy mô mức độ công nghiệp như than Quảng Ninh, sắt Trại Cau (Thái Nguyên), đồng Sin Quyền (Lào Cai), đá trắng Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái), đá trắng Quỳ Hợp (Nghệ An)... Nhưng chỉ cần nhìn đến vùng than Quảng Ninh, có thể thấy rõ đất đá thải đang làm biến dạng địa hình, địa vật vùng đất du lịch nổi tiếng này. Điều đáng nói là các bãi thải tích tụ thành núi ở vùng mỏ Mạo Khê, Uông Bí và Cẩm Phả... đang là các điểm ô nhiễm đến mức báo động, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.
Tương tự như vậy, các hoạt động khai thác kim loại cũng hủy hoại môi trường do bồi tụ đất đá, phát sinh bụi, nước thải với khối lượng lớn, gây ô nhiễm không khí và nước. Bụi từ quá trình tuyển tinh quặng inlmenit, rutil và zircon từ cát khiến cho nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy tuyển này bị mắc bệnh đường hô hấp, chưa kể nguy cơ về tia phóng xạ. Các chất rắn lơ lửng không những làm ô nhiễm chất lượng nước mặt tại khu vực mỏ mà còn chứa nhiều kim loại nặng, thủy ngân và các hóa chất độc hại khác, gây ảnh hưởng các vùng lân cận và hạ nguồn các con sông.
Khai thác vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất như đá vôi, đá xây dựng, các loại sét, cát sỏi, fenspat, aptit... cũng gây những tác động xấu đến môi trường, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, gây tiếng ồn. Phần lớn các mỏ đá xây dựng hiện nay thường được khai thác bằng nổ mìn và thủ công, quy trình lạc hậu, không có hệ thống thu bụi, làm cho hàm lượng bụi ở nơi làm việc lớn gấp 9 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác mỏ đã và đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái đã được hình thành từ hàng chục triệu năm; gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường và ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính chất xã hội và chính trị của cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vụ thất thoát 830 tỷ tại Gang thép Thái Nguyên: Đề nghị truy tố 19 bị can
10:16, 21/12/2020
Khởi tố 14 bị can liên quan đến dự án gang thép Thái Nguyên
21:23, 13/12/2020
Thái Nguyên: “Lấp sông, nắn dòng”, kinh doanh bất chính
04:55, 01/10/2020
Ngập lụt “liên miên” tại Thái Nguyên: “Trả giá” bởi qui hoạch?
11:00, 12/09/2020
Vụ chủ mỏ làm càn, người dân bất an tại Thái Nguyên: Đem mạng người treo… sợi chỉ!?
05:30, 31/07/2020