Nghị quyết 02/2021: Tiếp lửa cải cách

ĐỖ HUYỀN 07/01/2021 04:50

Nghị quyết 02 năm 2021 được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhóm lên ngọn lửa cải cách, giúp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02 năm 2021 đề ra thông điệp của Chính phủ là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi đứng yên hoặc cải cách chậm hơn sẽ bị bỏ lại phía sau.

có thể gọi tóm tắt Nghị quyết 02 năm 2021 chính là Nghị quyết 02 năm 2020 cộng 4.

có thể gọi tóm tắt Nghị quyết 02 năm 2021 chính là Nghị quyết 02 năm 2020 cộng 4.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, Nghị quyết 02 được soạn thảo trên cách thức rất mới, khi mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 02 năm 2019 được giữ nguyên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chưa hoàn thành vào năm 2021.

“Có 4 nội dung Chính phủ nhấn mạnh thêm, thứ nhất là đánh giá rất cao sự đổi mới. Cụ thể, lần này Chính phủ nhìn thấy những cải cách của chúng ta gần đây mới chủ yếu nằm trong phạm vi 1 bộ, ngành, ví dụ giao cho Bộ Công Thương cải cách nội dung này, Bộ Y tế cải cách nội dung kia... Nhưng chúng ta biết, Doanh nghiệp chịu sự tác động của liên ngành, nhiều vấn đề không thể giải quyết được bằng một bộ ngành. Điểm mới của Nghị quyết 02 trọng tâm là tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết vấn đề triệt để, tập trung vào vấn đề doanh nghiệp vướng mắc đã từ rất lâu rồi”, TS Phan Đức Hiếu nhận định.

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trọng tâm thứ 2 của Nghị quyết 02 là vai trò quan trọng chuyển đổi số trong tình hình mới. Đây là “cuộc chơi không thể không chơi”, nếu không sẽ bị đào thải. Hơn nữa, đi tiên phong phải là Chính phủ, với trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi Chính phủ số, mọi hoạt động, dịch vụ, tương tác trên môi trường số…

“Chúng ta buộc phải hoàn thành Chính phủ điện tử, chuyển sang Chính phủ số, tạo động lực để doanh nghiệp buộc phải chuyển mình. Đồng thời, tạo thị trường để khi Chính phủ chuyển đổi số thì doanh nghiệp có thể tham gia cung ứng dịch vụ”, TS Phan Đức Hiếu nói.

Trước nhiều quan điểm cho rằng năm nay, vì Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã thông báo không xếp hạng Doing Business, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 như thường niên có thể sẽ có ảnh hưởng, nhưng ông Hiếu cho rằng điều này sẽ không thể là lý do gián đoạn nỗ lực cải cách.

“Chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả tích cực từ việc thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, như miễn lệ phí môn bài theo Nghị định 22/2020/NĐ-CP, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng (Luật Xây dựng 2020), nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư (Luật Doanh nghiệp 2020)…”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng thừa nhận vẫn còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các điều kiện kinh doanh trong nhiều nghị định, luật vẫn còn cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp…

“Song việc thực hiện thành công các phiên bản nghị quyết 02 trong nhiệm kỳ vừa qua đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt, không chỉ cách tiếp cận, cách tổ chức thực hiện, mà quan trọng là những cải thiện rất đáng kể trong môi trường kinh doanh…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

ĐỖ HUYỀN