Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nên được xây dựng như thế nào?
Những tranh luận xung quanh khung pháp lý của thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có hồi kết khi ý kiến giữa các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất.
Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, trong bối cảnh hàng nhập lậu đang tăng nhanh trên thị trường nhưng các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý vì thiếu vắng các chính sách quản lý.
Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn duy trì quan điểm nên cấm dòng sản phẩm này. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đang xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cấm là không khả thi vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhu cầu, và thị trường sản phẩm nhập lậu vẫn tràn lan. Tuy nhiên, một khi các dòng quan điểm trên thế giới và tại Việt Nam vẫn chưa thống nhất, Việt Nam không nên ban hành ngay một khung pháp lý cụ thể mà cần thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi chính thức mở cửa thị trường với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, nếu thiếu vắng khung pháp lý thì sẽ rất khó xử lý hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn vào Việt Nam. Trong tình hình này, một số chuyên gia cho rằng trước mắt Chính phủ có thể xém xét xử lý thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp như thuốc lá điếu nhập lậu để áp dụng chung các quy định xử phạt trong khi chờ ban hành chính sách quản lý riêng cho cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Đối với việc soạn thảo khung pháp lý cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm và Chính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc nghiên cứu, định ra các quy định quản lý, tiêu chí kỹ thuật, đánh giá sự tương đồng giữa các sản phẩm, đo lường tiềm năng giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng cần thời gian ít nhất 12 tháng để các cơ quan Nhà nước nghiên cứu và đưa ra các chính sách phù hợp.
Sau thời gian này, Chính phủ có thể luật hóa hoặc cho thí điểm để tiếp tục có những đánh giá tác động cụ thể và có những điều chỉnh phù hợp.
Về phần mình bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng không nên có tư duy "không quản được thì cấm" nhất là trong bối cảnh chính sách Việt Nam đang mở cửa, ủng hộ các xu hướng phát triển công nghệ, cho nên cần có cách ứng xử phù hợp đối với mặt hàng áp dụng công nghệ và cải tiến chất lượng trên cơ sở tham khảo quy định của các nước phát triển. Ngoài ra, cấm có nghĩa là đang đẩy người tiêu dùng về phía hàng lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, theo bà, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như Nghị định 67/2013/NĐ-CP khi được xây dựng và ban hành chưa hề tính đến sự xuất hiện của dòng sản phẩm thế hệ mới. Khung pháp lý hiện thời theo các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên chưa tương thích và phù hợp để điều chỉnh các dòng sản phẩm này.
Vì vậy, đó sẽ là điều bất cập nếu sử dụng khung pháp lý áp dụng cho thuốc lá điếu hiện hành để điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thay vào đó cần xây dựng, ban hành khung pháp lý, cơ chế quản lý riêng đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới.