Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho Cienco 5 Land: Vi phạm Luật Doanh nghiệp

NGUYỄN GIANG 16/01/2021 04:30

Luật sư cho rằng, việc điều chỉnh quyết định giao đất tại dự án KĐT Mỹ Hưng Cienco 5 của TP Hà Nội đang xâm phạm quyền của doanh nghiệp trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản...

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Quyết định điều chỉnh đối tượng giao đất của UBND TP Hà Nội mới đây để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (Cienco 5), khiến địa vị pháp lý thay đổi, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

p/Một đơn vị đã làm “thay da đổi thịt” mảnh đất Thanh Oai, Hà Đông, một đơn vị đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng bỗng nhiên đứng trước nguy cơ “tay trắng”. Ảnh: Nguyễn Giang

Cienco 5 Land - một đơn vị đã làm “thay da đổi thịt” mảnh đất Thanh Oai, Hà Đông, một đơn vị đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng bỗng nhiên đứng trước nguy cơ “tay trắng”. Ảnh: Nguyễn Giang/DĐDN

Cụ thể, ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định số 5269/QĐ-UBND sửa đổi nội dung Quyết số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 1.820.433m2 đất tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai giao cho Cienco 5 Land thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.

Quyết định trên đã gây "bất ngờ" cũng như nhiều tranh cãi bởi sau 12 năm công ty Cienco 5 Land gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5, thì nay với quyết định của UBND TP Hà Nội, khu đất trên đã được "sang tên" Cienco 5.

Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt, Cienco 5 Land là một pháp nhân độc lập, hợp pháp, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Thực tế đã chứng minh Cienco 5 Land hoàn toàn độc lập trong việc thực hiện các dự án trong Hợp đồng BT. Cho nên việc UBND TP Hà Nội ra Quyết định 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 điều chỉnh nội dung người sử dụng đất chuyển từ Cienco 5 Land sang Cienco 5 đã tước đi quyền lợi hợp pháp của Cienco 5 Land trong việc được khai thác những tài sản do chính Cienco5 Land khởi tạo và xây dựng, xâm phạm quyền của Cienco5 Land theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền của doanh nghiệp trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Một góc khu đô thị Thanh Hà. Ảnh: Nguyễn Giang

Một góc khu đô thị Thanh Hà. Ảnh: Nguyễn Giang/DĐDN

Thậm chí, điều này còn xâm phạm tới quyền được Nhà nước bảo đảm được quy định tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 5 Luật Doanh nghiệp 2005). Theo đó, “Nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh ngiệp,... thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh”. Nhà nước còn “công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp”. Chưa kể tới việc “tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”. Việc tước đoạt quyền lợi này là không có căn cứ pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi của Cienco 5 Land, dẫn đến việc Cienco 5 Land đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Nếu Cienco 5 cho rằng Cienco 5 Land là Doanh nghiệp dự án do Cienco 5 góp vốn, thành lập để thực hiện Dự án BT và Dự án khác nên khi quan hệ “Công ty mẹ - Công ty con” không còn thì Cienco 5 có quyền chuyển Khu đất được giao để thực hiện Dự án khác (dự án bất động sản) về cho Cienco 5 và quyền sử dụng đất của Dự án khác phải thuộc sở hữu của Cienco 5.

“Chúng tôi cho rằng hành động này được xem là hình thức rút vốn ra khỏi công ty cổ phần, một hành vi bị cấm được quy định tại Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2014”, Luật sư Nguyễn Thành Luân phân tích.

Theo đó, tại Điều 115, nghĩa vụ của cổ đông phổ thông được quy định rõ ràng: “Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra”.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

NGUYỄN GIANG