Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới: “Siết” nhà đầu tư nước ngoài?
Dự thảo hướng dẫn mới về thương mại điện tử tiếp tục đưa ra lấy ý kiến nhưng trong bản dự thảo vẫn còn tồn tại “rào cản” cho nhà đầu tư nước ngoài.
LTS: Thương mại điện tử Việt Nam đang trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán. Việc phát triển nhanh trong một thời gian ngắn khiến cơ chế, chính sách chưa theo kịp và đặt ra thách thức cho cả cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người tham gia.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020, trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian mà người Việt Nam sử dụng Internet có mục đích đã tăng từ 3,1 giờ/ngày lên 4,2 giờ/ngày. Điều này cũng góp phần giúp ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 46%.
Cảnh báo từ thực tiễn
Tờ trình về dự thảo sửa đổi Nghị định 52 do Bộ Công Thương soạn thảo cho rằng hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử nên dẫn đến sự kiểm soát mạnh mẽ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng. Bộ Công Thương cho rằng việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.
"Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan", Bộ Công Thương đề xuất.
Dù chiếm chưa tới 5% giá trị thị trường bán lẻ nhưng thương mại điện tử luôn tăng trưởng hai con số. Cạnh tranh là bình thường, nhưng việc nhiều sàn lớn hoạt động ở Việt nam có vốn từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... đặt ra không ít cảnh báo hàng Việt có thể mất chỗ đứng trên kênh thương mại trực tuyến. Nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia đã cảnh báo thị trường thương mại điện tử Việt nam đang được quản lý không tương đồng với thương mại bán lẻ, trong khi bản chất đều là hoạt động phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Nhưng quản sao cho khéo?
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 67c trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, một trong những điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử tiếp cận thị trường là phải “thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ”. Điều này đã đi ngược lại với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc khi tạo ra sự phân biệt rất lớn giữa các nhà đầu tư đến từ các nước khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế có quy định về thương mại điện tử. Ngoài ra, quy định như trên có thể khiến ta bỏ lỡ những nhà đầu tư tiềm năng mặc dù chưa có nhiều danh tiếng trên thế giới.
Mặt khác, nếu vẫn giữ nguyên quy định này thì đây sẽ là điều kiện mà chưa có tiêu chí cụ thể. Câu hỏi đặt ra là “như thế nào là công ty công nghệ uy tín toàn cầu?”. Do vậy, khi có thêm quy định này, Bộ Công Thương cần phải làm rõ thêm các tiêu chí để đánh giá nhằm tránh gây khó khăn và tranh cãi trong quá trình thực thi.
Rõ ràng, việc sửa đổi bổ sung Nghị định về thương mại điện tử là cần thiết trong bối cảnh hoạt động này đang và sẽ thay đổi rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc gia tăng trách nhiệm không đáng có lên các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nói chung và các thương nhân, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng nhằm tránh việc “khép cửa” thị trường phát triển tiềm năng này.
Hiện cả bốn sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất (Shopee, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp, trong đó, cá biệt có các nhà đầu tư đến từ một quốc gia nắm tỉ trọng đáng kể tại ba sàn, dẫn đến rủi ro, chi phối kinh tế khó lường trước. Trong tốp dẫn đầu của thị trường bán lẻ trực tuyến, có Tiki và Sendo do doanh nhân Việt sáng lập và điều hành. Tuy vậy, cùng với sự phát triển, các sàn này đều cần sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư quốc tế.