Quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng tính hình thức
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức.
Nhìn lại quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trong năm qua, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành; cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ).
Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ.
Cùng với đó, điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ; chuyển điều kiện kinh doanh sang quản lý theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam.
Hơn nữa, một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch; cẩn trọng trong ban hành các quy định; có sự giám sát của nhiều bên; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.
Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nâng cao chất lượng kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện, hiện, vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.
Về phần mình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá….
Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại diện CIEM đưa ra 4 nhóm giải pháp bổ sung tại Nghị quyết 02. Thứ nhất, cần giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo các nguyên tắc: phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch; trong một bộ, ngành thì chỉ có một đầu mối quản lý đối với một mặt hàng; kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Thứ hai là chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ ba là thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững: đầu tư kinh doanh bền vững; chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh.
"Cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về điều kiện kinh doanh; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức hạn chế, làm thui chột tự do kinh doanh...", ông Cung nói.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những thủ tục xác nhận ngành nghề kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, hay buộc doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp nên xem xét bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2020.
Có thể bạn quan tâm
VCCI đề xuất xem xét lại mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
02:43, 29/12/2020
Quy định điều kiện kinh doanh casino tại Việt Nam như thế nào?
15:26, 24/11/2020
"Cắt giảm điều kiện kinh doanh một số nơi vẫn còn nặng tính hình thức"
04:50, 01/10/2020
Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các chủ thể kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình. Sự hiểu biết của các chủ thể kinh doanh sẽ giúp họ chủ động tuân thủ pháp luật khi kinh doanh và phòng tránh các rủi ro pháp lý. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.