Thực thi RCEP: Rủi ro lớn nếu chấp nhận nhập siêu từ RCEP
CIEM cho rằng, nếu vẫn giữ tư duy chấp nhận nhập siêu, dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP thì Việt Nam có thể đối diện với một loạt rủi ro lớn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế.
RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam
Theo CIEM, RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam. Khi ấy, nếu vẫn giữ tư duy nhập siêu là chấp nhận được – bởi Việt Nam có thể dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP và kiếm “đủ” thặng dư thương mại từ các thị trường này - thì Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro lớn.
Theo đó, rủi ro thứ nhất là tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị trong thời kỳ hậu COVID-19 vẫn còn hiện hữu, thậm chí có thể phức tạp hơn trong thời gian tới. Những gián đoạn ấy có thể dẫn tới việc kết nối với thị trường xuất khẩu không còn ổn định và/hoặc liền mạch như những giai đoạn trước.
“Đó là chưa kể những tác động phức tạp có thể xảy ra khi chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu dịch chuyển hậu COVID-19”, CIEM nhấn mạnh.
Một lưu ý là những ngành hàng được cho là có thể gia tăng xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP (như dệt may, chế biến thực phẩm...) – mà các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều có sự quan tâm - cũng là những ngành chịu tác động lớn nhất bởi gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Mặt khác, không ít thị trường xuất khẩu chính (chẳng hạn như Mỹ, EU) có thể lo ngại về xuất xứ hàng nhập khẩu và/hoặc quy mô thâm hụt thương mại với Việt Nam. CIEM nhắc lại rằng vấn đề hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã được chính phía Mỹ nêu trực diện hơn trong giai đoạn 2018-2020 và không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ hơn trong giai đoạn hậu 2020.
Bản thân Việt Nam và các nước RCEP (đặc biệt là Trung Quốc) cũng gặp không ít các vụ kiện phòng vệ thương mại, chẳng hạn như chống bán phá giá, chống trợ cấp... Những vấn đề này sẽ phức tạp hơn nếu được “núp” sau các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, bởi khi ấy việc xử lý sẽ phải cân nhắc thêm những cam kết về bảo hộ đầu tư (nếu có).
Trong những trường hợp nêu trên, tác động kèm theo sẽ là việc gia tăng bất định đối với cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam, đặc biệt là khi biến động từ các thị trường ngoài RCEP có thể ảnh hưởng tới khả năng Việt Nam kiếm thặng dư để bù đắp thâm hụt thương mại với các thị trường trong RCEP.
Khi ấy, mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng kể, ít nhất trên các phương diện như: dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; và dễ chịu tác động bất lợi từ thay đổi chính sách xuất nhập khẩu đột ngột – không trái cam kết RCEP – của một thị trường đủ lớn trong RCEP
CIEM cũng phản biện quan điểm ủng hộ nhập siêu từ RCEP của một số nhóm rằng khoản nhập siêu này có thể giúp cải thiện năng lực sản xuất của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nói riêng. Bởi khoản nhập siêu chỉ có lợi khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các dây chuyền công nghệ đủ hiện đại, để bảo đảm có đóng góp bền vững vào cải thiện năng lực sản xuất.
Và ngay cả khi chấp nhận luận điểm này, việc bảo đảm đóng góp trên phương diện trên của các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP sẽ còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Các con số thống kê cho thấy tỷ trọng hàng nhập khẩu có hàm lượng công nghệ cao tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2019 đến từ thị trường Hàn Quốc (hơn 40 điểm phần trăm), trong khi tỷ trọng nhập khẩu hàng công nghệ cao từ Trung Quốc chỉ tăng khoảng 10 điểm phần trăm.
Các con số cũng cho thấy kết quả tạo dựng năng lực cạnh tranh mới của Việt Nam trong thương mại với RCEP hầu như không đáng kể trong giai đoạn 2010-2019. Theo đó, tác động tăng năng lực sản xuất cũng chỉ diễn ra nhanh từ một số thị trường nhất định, chứ không phải toàn bộ khu vực RCEP.
Tác động gia tăng nhập siêu từ các thị trường RCEP “tương đối” dễ xử lý hơn nếu các mặt hàng kém chất lượng, không phù hợp với thị hiếu, môi trường, xã hội của Việt Nam có đóng góp chính vào gia tăng nhập siêu. Tuy nhiên, nếu gia tăng xuất khẩu của RCEP vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các nhóm mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật có tính “thông lệ tốt nhất” (và theo đó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam), việc xử lý tác động của nhập siêu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
“Cần lưu ý, khả năng này không thể được loại trừ trong bối cảnh Mỹ cọ xát thương mại với không ít nền kinh tế trong khu vực RCEP và các nền kinh tế này cần chuyển hướng hàng xuất khẩu – kể cả hàng chất lượng cao - của họ sang các thị trường khác (trong đó có Việt Nam)”, CIEM nêu quan điểm.
Hạn chế rủi ro như thế nào?
Để tận dụng tối đa các lợi ích, giảm thiểu rủi ro khi RCEP được thực thi, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh ngoài các giải pháp mang tính ngắn và trung hạn như tăng cường hiệu quả phòng chống COVID-19, chúng ta cần quan tâm đến 3 định hướng.
Đầu tiên là nỗ lực cải cách từ bên trong. Điều này phải được Việt Nam chủ động thực hiện, chứ không phải chờ sức ép của RCEP, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế khác. Việc thực hiện các cam kết trong RCEP phải hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn trong các hiệp định thương mại khác như CPTPP, EVFTA, để thực hiện hiệu quả RCEP, chứ không phải thực hiện RCEP riêng lẻ.
“Thứ nữa là cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt tích cực quá trình hoàn thiện RCEP. Việt Nam trong năm 2020 với tư cách là Chủ tịch ASEAN, đã có tiếng nói đáng kể trong tiến tới ký kết RCEP. Còn nhớ Hiệp định CPTPP cũng được vực dậy vào năm 2017 khi Việt Nam là chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Điều đó cho thấy Việt Nam có kinh nghiệm và lợi thế trong nhận thức được những giá trị căn bản của việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Việt Nam phải cùng các nước trong ASEAN phát huy vai trò trung tâm không chỉ tiến tới phê chuẩn RCEP, mà còn xây dựng các thể chế liên quan, ví dụ như thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang tìm địa điểm để đa dạng hóa đầu tư khi rút khỏi Trung Quốc.
Các nước ASEAN thay vì cạnh tranh gây bất lợi cho nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài, cần hợp tác cụ thể để cùng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cần lưu ý, nếu các nước ASEAN đứng riêng lẻ, thì không một nước nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, mà cần hợp tác với nhau để tạo thành đối trọng đủ lớn. Từ đó ASEAN mới có tiếng nói quan trọng và đủ sức hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dương nói.
Cuối cùng, ông Dương nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ví dụ xây dựng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đóng góp vào sân chơi linh hoạt và sáng tạo hơn như APEC, ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong tổ chức WTO. Đó là những sân chơi lớn đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho các nước nhỏ, với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.